Đang tải...
 

CÂU CHUYỆN ĐẦU NĂM

Chỉ có giáo dục đúng nghĩa, đặt trọng tâm vào “dạy cách làm người” ngay từ tấm bé, ngay trong gia đình, mới sản sinh được những thế hệ con người có văn hóa, có đạo đức mà thôi.
CÂU CHUYỆN ĐẦU NĂM


“LỖ HỔNG” GIÁO DỤC

     

     “Một người đàn ông trung niên vừa bước ra khỏi một ngân hàng ở Tp. HCM, mang theo một túi xách nhỏ. Anh ta buộc chặt lại một lần nữa cái túi  trên chiếc xe máy rồi  lặng lẽ phóng đi. Bên kia đường, hai thanh niên như bí mật chờ sẵn, vội vã bám theo. Đến một đoạn vắng, hai thanh niên bỗng tăng ga vọt lên và trong tích tắc, tên ngồi phía sau giật phăng chiếc túi xách…Một cuộc giằng co sinh tử diễn ra trên đường phố vì cái túi xách buộc vào xe quá chặt.

    -Cướp cướp - người đàn ông trung niên vừa giằng lại túi xách vừa la lớn…Kết quả, liệu không giật nỗi, hai tên lưu manh phóng xe tẩu thoát, còn lại chiếc xe máy và người đàn ông cùng ngã lăn kềnh ra, cái túi xách rách bung và những cuộn giấy bạc văng tung tóe trên đường phố…

     Cái gì đang xảy ra tiếp theo? Người ta vội vã đỡ người đàn ông đang bị cái xe máy đè một chân lên? Những người khác khẩn trương thu lượm lại tiền cho người đàn ông xui rủi? Nhưng mà không. Hãy xem: mặc cho nạn nhân nằm đó, những người đi đường vội dừng xe, người hai bên đường cũng túa ra, tất cả cùng nhau giành giật mớ tiền cả trong và ngoài túi xách rách toang, mặc cho người đàn ông nạn nhân kêu van trong tuyệt vọng…”

    
      Đó chẳng phải là màn kịch, là đề tài hư cấu, tiếc thay nó là câu chuyện thực xảy ra 100% mà các báo đã đăng tải cách đây vài năm với cái tít khá ngộ nghĩnh, mới nghe qua thật khó hiểu, khó hình dung: “Cướp của người bị cướp!”. Câu chuyện ấy cũng hao hao giống như chuyện “hôi bia” vừa qua trên quốc lộ ở Biên Hòa Đồng Nai, khi một chiếc xe tải chở bia lon tiger bị nạn khiến hàng trăm két bia vung vãi xuống đường, và trong hơn chục phút ngắn ngủi đã bị thanh toán sạch, mặc cho anh tài xế chở thuê năn nỉ kêu cứu ?

    
   
“Vô cảm”!
Đó là hai từ mà những ai còn lương tri khi chứng kiến và nghe qua cũng ngao ngán, cay đắng thốt ra và nghẹn lời không biết phải nói gì hơn…Nhưng đó cũng chỉ là hai trong vô số câu chuyện xảy ra ngoài đường phố ồn ào náo nhiệt, với những con người tứ xứ và hỗn tạp, chẳng ai biết rõ danh tính cũng như tung tích của kẻ xấu vốn ngày một tràn lan…Nhưng còn những chuyện có địa chỉ rõ ràng như ông bác sĩ thẫm mỹ nọ ném xác bệnh nhân xuống sông phi tang, hay như chuyện những cô giáo bảo mẫu mầm non kia bạo hành trẻ đang nuôi dạy, thì thật không thể tưởng tượng, không thể hình dung nỗi. Bởi ngành y và ngành giáo xưa nay vốn là hai ngành được xã hội trọng vọng, một bên là “lương y như từ mẫu” và bên kia là “cô giáo như mẹ hiền”!

    
     Và còn nhiều nữa, nhiều nữa trong mấy năm gần đây những cảnh con giết mẹ, chồng giết vợ, vợ hại chồng, anh em cốt nhục loại trừ lẫn nhau,…khiến bức tranh xã hội ngày càng trở nên xấu xí và ảm đạm. Nhưng đó cũng chỉ mới là bề nổi. Còn những cái thầm lặng hơn như buôn bán ma túy và các chất gây nghiện khác, nhan nhản những vụ thương buôn bất lương sẵn sàng tẩm hóa chất để “làm mới” thịt thối lừa đảo người tiêu dùng, dẫu biết rằng đó là cực kỳ độc hại cho sức khỏe. Những tội ác kiểu ấy dù đã không trực tiếp giết hại một hay vài người nhưng tác hại của nó sẽ là vô cùng lớn cho số đông, đầu độc cả một hoặc nhiều thế hệ, thậm chí cho cả nòi giống.

     
     Tóm lại, cũng chỉ vì tiền, vì hám lợi mà người ta bất chấp tất cả. Bất chấp luật pháp, bất chấp cả lương tri. Vậy cái gì đang xảy ra cho xã hội ta ? Nhiều người bi quan ngán ngẩm: Loạn, loạn cả rồi. Đạo đức băng hoại. Văn hóa suy đồi. Cái ác nuốt chửng cái thiện. Hay có người cho đó là “lỗ thủng” văn hóa, là “lỗ hổng” đạo đức. Nhưng văn hóa, đạo đức hay thiện ác là từ đâu? Cũng bắt đầu từ “con người” mà ra. Và con người trở nên “tai ác” cũng bắt nguồn từ giáo dục. Vậy nên chăng phải gọi rằng đó chính là “lỗ hổng giáo dục” mới chính xác? Hoặc nói nôm na là con người không được dạy dỗ tới nơi tới chốn, hay gọi vắn tắt và gay gắt một chút là “mất dạy”! Mà thật ra từ “mất dạy” cũng không đúng nghĩa, bởi đã “có đâu mà mất”?! Phải nói như người Pháp mới sát nghĩa, đó là “mal élevé” (tạm dịch là "giáo dưỡng tồi"!).

    
     Có bi quan quá không? Có đấy, rất nhiều lúc. Nhưng rồi, trong bức tranh ảm đạm tối tăm ấy, cũng có những vệt sáng lóe lên, tuy vẫn yếu ớt, nhỏ nhoi và khiêm tốn :

               -Chị ơi ! gạt chống xe lên !

               -Chú ơi ! cái bóp đằng sau muốn rớt!

      Hay như người phụ nữ lượm ve chai kia tìm chủ để trả lại của rơi, và khi được “tuyên dương” chị vẫn khiêm tốn “chuyện nhỏ, có chi mà ơn với nghĩa”. Và khi trên đường phố ào ào dòng thác xe cộ, giành giật từng lối đi, tranh nhau từng tấc đường, lấn trái, vượt đèn đỏ, có lúc va quẹt nhau, chỉ vì một vết sướt nhỏ trên xe mà anh thanh niên không hề ngần ngại “thượng cẳng chân” với một ông già,…thì đâu đó, vẫn có anh bạn trẻ dắt tay một cụ già dẫn sang đường, có chị đứng lên nhường ghế cho một thai phụ trên xe buýt, và trên những cung đường vắng trong đêm khuya chẳng có anh công an giao thông nào, vẫn có người biết dừng lại chờ đèn xanh,…

      
     
Rõ ràng cái thiện vẫn còn đó, lớp người biết thượng tôn luật pháp (có nghĩa là góp phần bảo vệ trật tự xã hội) vẫn còn đây. Và dù cho đạo đức xã hội, trật tự xã hội có xuống cấp cỡ nào chăng nữa, thì vẫn luôn tồn tại đây đó những con người có căn bản đạo đức. Không phải tất cả đều bị nhấn chìm trong cái gam màu đen tối ảm đạm ấy. Và cái gốc đạo đức, văn hóa của mỗi con người lương thiện chắc hẵn phải xuất phát từ gia đình, từ giáo dục gia đình là căn bản. Kế đến mới là giáo dục học đường. Và khi mà con người được giáo dục có căn cơ vững vàng từ gia đình và học đường thì chắc chắn sẽ vô hiệu hóa các tác động tiêu cực từ xã hội.

     
     
Chỉ có giáo dục đúng nghĩa, đặt trọng tâm vào “dạy cách làm người” ngay từ tấm bé, ngay trong gia đình, mới sản sinh được những thế hệ con người có văn hóa, có đạo đức mà thôi. Và giáo dục muốn đạt được kết quả mong muốn, thì ngoài những nội dung và phương pháp, điều kiện tiên quyết là “nhà giáo dục” phải là một hình tượng gương mẫu. Trong gia đình tấm gương là cha mẹ, ở học đường tấm gương là thầy cô giáo và ra xã hội tấm gương không ai khác chính là  những bậc “phụ mẫu chi dân”. Bởi như nhà giáo dục học Sô Viết Makarenko đã đúc kết cách đây hơn nửa thế kỷ: “Gương mẫu là cha đẻ của giáo dục”.

    
    
Và không chỉ có người Nga mới hiểu được điều đó, mà người Việt từ rất xưa cũng đã từng thấm thía câu:“Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Chỉ khi cái thiện được ươm mầm nẩy nở, được phát triển, nói  khác đi là “lỗ hổng giáo dục” được bịt kín,  thì mới mong cái ác, cái xấu bị đẩy lùi và triệt tiêu. Lúc đó, mới có được một xã hội công bằng, văn minh, tiến bộ đúng nghĩa mà thôi.




Bên cạnh cái "ác" hiển hiện ồn ào




Vẫn luôn tồn tại cái "thiện" thầm lặng



                                            Bài : THẢO DÂN  -  Ảnh : nguồn internet


 

Chia sẻ bài viết:

Bài viết liên quan

TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat ngay để nhận tư vấn
Gọi ngay để được tư vấn