Đang tải...
 

Địa chí Phong Điền (tóm lược)

Phong Điền là huyện nằm ở cửa ngõ phía bắc tỉnh Thừa Thiên Huế, rộng 953,751 km2, gần bằng 1/5 diện tích tự nhiên của tỉnh. Phía bắc giáp huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị. Phía tây, tây nam và phía nam giáp hai huyện Đakrông và A Lưới. Phía đông và đông nam giáp hai huyện Quảng Điền và Hương Trà. Phía đông bắc giáp biển Đông với đường bờ thẳng tắp theo hướng tây bắc - đông nam trên chiều dài gần 16km.
Địa chí Phong Điền (tóm lược)

PHẦN THỨ NHẤT :

TỰ NHIÊN, DÂN CƯ VÀ HÀNH CHÁNH

 CHƯƠNG MỘT

VI TRÍ ĐỊA LÝ, ĐỊA HÌNH, ĐẤT ĐAI, RUỘNG RẪY

 

·       VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

     Phong Điền là huyện nằm ở cửa ngõ phía bắc tỉnh Thừa Thiên Huế, rộng 953,751 km2, gần bằng 1/5 diện tích tự nhiên của tỉnh. Phía bắc giáp huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị. Phía tây, tây nam và phía nam giáp hai huyện Đakrông và A Lưới. Phía đông và đông nam giáp hai huyện Quảng Điền và Hương Trà. Phía đông bắc giáp biển Đông với đường bờ thẳng tắp theo hướng tây bắc - đông nam trên chiều dài gần 16km.

·       ĐỊA HÌNH

     Lãnh thổ Phong Điền trải rộng theo hướng tây nam - đông bắc từ Trường Sơn  ra tận biển Đông với chiều dài gần 46km, hình thành một vùng đất, có đầy đủ cả núi đồi, đồng bằng, và vùng ven biển.

    -Núi đồi chiếm gần 70% diện tích tự nhiên của huyện, tạo thành một bề mặt dốc nghiêng,  thoải dần từ tây sang đông. Núi cao trung bình chỉ chiếm một diện tích nhỏ phía cực tây (từ 750 đến 1.666m), còn đại bộ phận là núi thấp trải dần ra phía đông (cao từ 100 đến 750m trên mực nước biển). Địa hình đồi có độ cao từ 10 đến 100m, phân bố từ rìa núi thấp phía tây đến Quốc lộ 1A (theo chiều tây – đông), và từ ranh giới Quảng Trị đến sông Bồ (theo chiều bắc – nam).

    -Đồng bằng Phong Điền đại bộ phận phân bố ở vùng phía đông Quốc lộ 1A, phía tây chỉ chiếm một phần nhỏ. Căn cứ vào nguồn gốc hình thành được phân làm hai loại : đồng bằng thềm biển (thường gọi là vùng cát nội đồng) do quá trình bồi tụ cát biển, và đồng bằng phù sa do quá trình bồi tụ phù sa từ sông ngòi. Đồng bằng thềm biển chiếm phần lớn diện tích lãnh thổ phía đông, chạy từ bắc vào nam dài khoảng 18-19km, từ tây sang đông rộng khoảng 5-6 km, chiếm diện tích 10.470 ha, cao trên mực nước biển từ 8- 10m. Đồng bằng phù sa phân bố dọc hai bờ sông Ô Lâu ở phía bắc, đông bắc huyện và các nhánh sông Bồ ở phía nam huyện.

    -Vùng ven biển  của Phong Điền là vùng bờ biển cát chạy theo hướng tây bắc – đông nam, từ làng Trung Đồng (giáp ranh Quảng Trị)  đến hai xã Điền Hải và Phong Hải của huyện (giáp ranh Quảng Điền) dài gần 16km, cao độ 28-30m, rộng từ 3.000 đến 5.000m ở phía bắc và thu hẹp dần về phía nam. Do gió biển, vùng này thường xuyên hình thành những cồn cát di động hướng về phía làng mạc đầm phá ở phía tây.

 

H.1: Bản đồ vị trí địa lý và hành chính huyện Phong Điền

·       ĐẤT ĐAI

     Đất đai của Phong Điền, do đặc điểm địa hình đa dạng như trên cũng hình thành nhiều loại :

    -Đất cồn cát ven biển: chiếm khoảng 4.955ha, phân bố ở các xã vùng Ngũ Điền và Phong Hải, chủ yếu là cát chiếm đến 99%.

    -Đất cát bãi bằng: chiếm diện tích rộng lớn trên 10.470ha, phân bố ở các xã Phong Hiền, Phong Thu, Phong Hòa, Phong Bình và Phong Chương (97-98% là cát).

    -Đất mặn phèn: với diện tích hạn chế, hình thành dọc bờ phá Tam Giang thuộc địa phận các xã Điền Lộc, Điền Hòa, Điền Hải và Phong Hải ( cát chiếm 86%).

    -Đất phù sa các loại: gồm loại được bồi tụ hằng năm, độ phì cao tốt cho lúa nước, phân bố dọc bờ sông Ô Lâu và sông Bồ, loại phù sa chua, phù sa trên cát (ở các cánh đồng trũng xã Phong Thu), và phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng (ở Phong An).

    -Đất xám vàng các loại: phát triển trên nhiều loại đá khác nhau: đá granit, đá phiến sét, đá sa thạch, đá mác ma và đất xám bạc màu ở các xã Phong Thu, Phong An, Phong Mỹ, Phong Xuân và Phong Sơn.

·       RUỘNG RẪY

     Đồng ruộng Phong Điền chỉ chiếm 10% diện tích tự nhiên toàn huyện và phân bố thành hai vùng chủ yếu: vùng phía bắc trên đồng bằng phù sa sông Ô Lâu và vùng phía nam trên đồng bằng phù sa các khe, hói và các nhánh nhỏ ở tả ngạn sông Bồ.

    Hai vùng này chiếm đến 92,9% diện tích đồng ruộng toàn huyện phân bố ở các xã theo thứ tự từ rộng đến hẹp như sau : Phong Chương 1.415,3 ha, Phong Bình 1.214ha, Phong Sơn 694,7ha, Phong Hiền 634,3ha, Phong Hòa 623ha, Điền Lộc 610ha, Phong An 604ha, Điền Môn 565ha, Phong Xuân 564ha, Điền Hòa 480ha, Điền Hải 398ha, Phong Mỹ 258ha, Phong Thu 221,9ha và thị trấn Phong Điền 166,1ha.

    -Về nương rẫy và trang trại, nông thôn Phong Điền hầu như nhà nào cũng có nương vườn, kích thước rộng hẹp có khác nhau. Ở vùng đồi núi và một số nơi ở đồng bằng, ngoài nương vườn quanh nhà, nhiều gia đình còn có nương rẫy ở xa để trồng khoai sắn, rau màu và nhiều loại cây khác. Cơ cấu cây trồng  ngày xưa theo truyền thống, nay dần dần được thay đổi theo chiều hướng tăng giá trị kinh tế để phù hợp với nhu cầu kinh tế thị trường đang phát triển.

    Các xã Phong Sơn, Phong Mỹ, Phong Hòa, Phong Xuân, Phong An có diện tích nương vườn khá rộng ( từ 135 đế 171ha), đặc biệt Phong Mỹ có diện tích trang trại lớn nhất (302ha), kế đến là Phong Hòa, Phong Chương, Phong An  (từ 51 đến 95ha). Các xã còn lại ít hơn hoặc không đáng kể. Có xã không có trang trại như Điền Môn, Điền Lộc, Điền Hòa và Điền Hải.

CHƯƠNG HAI

KHÍ HẬU, THỦY VĂN

 

·       KHÍ HẬU

    1.-Đặc điểm chung :

     Phong Điền mang đặc điểm khí hậu tỉnh Thừa Thiên Huế, có nền tảng chung với khí hậu cả nước. Đó là khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa. Tuy nhiên do tác động chắn gió của địa hình Trường Sơn mà khí hậu Phong Điền -Thừa Thiên Huế có những nét độc đáo, không giống, thậm chí còn lệch hẵn với khí hậu cả phía Bắc lẫn phía Nam.

    Một là, sự sai lệch của mùa mưa ẩm lớn sang các tháng Thu Đông: mùa mưa bắt đầu chậm và kết thúc cũng chậm so với Bắc bộ, Nam bộ và Tây Nguyên. Và, trong khi mùa Hạ là mùa mưa ở cả ba vùng trên thì ở Phong Điền là thời kỳ khô nóng kéo dài. Hai là, tính chất chuyển tiếp, trung gian về chế độ nhiệt giữa hai miền Bắc Nam: từ đây trở ra đến biên giới phía Bắc là khí hậu gió mùa nội chí tuyến, có mùa Đông lạnh, trong khi từ đây trở vào Nam là khí hậu gió mùa á xích đạo không có mùa Đông lạnh. Ở Phong Điền không có mùa Đông lạnh thực sự và kéo dài như ở Bắc bộ mà chỉ có thời tiết lạnh.

     2.-Các yếu tố khí hậu :

    - Gió : Phong Điền-Thừa Thiên Huế trong năm chịu sự khống chế của hai mùa gió chính là gió mùa Đông và gió mùa Hè. Gió mùa Đông (từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau) hướng thịnh hành là tây bắc và đông bắc, mang lại thời tiết xấu, lạnh và gây mưa. Gió mùa Hè (từ tháng 3,4 đến tháng 9) còn gọi là gió Lào mang lại thời tiết khô và nóng.

    Ngoài ra còn có gió Đông và Đông Nam ( tức Nồm, còn gọi là gió ấm) đem lại thời tiết tốt trong các tháng chuyển tiếp 3-4, 8-9, và ngay cả trong mùa Đông, giữa hai đợt gió chính.

     -Mưa : Phong Điền là huyện có lượng mưa trung bình năm gần 3.000 mm, tăng dần từ đông sang tây, từ đồng bằng lên vùng núi. Lượng mưa trong năm tập trung chủ yếu vào mùa mưa chính từ tháng 9 đến tháng 12, chiếm đến 72-75% lượng mưa năm. Tám tháng còn lại chỉ chiếm 25-30%. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây tình trạng ngập lụt vào mùa mưa và thiếu nước, khô hạn vào mùa hè.

     -Nhiệt độ : Phong Điền -Thừa Thiên Huế có nền nhiệt độ cao. Nhiệt độ trung bình năm trên đại bộ phận lãnh thổ đạt 20-25oC, trung bình tháng lạnh nhất (tháng giêng) là 19-20oC, tháng nóng nhất (tháng bảy) là 29,4oC. Nhiệt độ cao nhất vào mùa hè đạt 40-41oC, thấp nhất vào mùa Đông xuống 8-9oC.

     -Bão, dông, lốc, sương mù : Phong Điền chịu ảnh hưởng của bão nhiều nhất vào tháng 9 (35%), tháng 10 (28%) và tháng 8 (18%). Có năm không có cơn bão nào, nhưng có năm 3-4 cơn liên tiếp. Nhìn chung số lượng bão không nhiều nhưng thiệt hại gây ra rất nghiêm trọng vì gió mạnh kèm theo mưa to và rất to, gây lũ lụt lớn và sạt lở bờ biển.

     Ngoài bão còn có dông là hiện tượng phóng điện (sấm sét) thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 9, nhiều nhất là tháng 5. Dông thường kèm theo mưa rào, đôi khi có gió mạnh. Vào mùa Hè cũng thường có lốc nhất là khi có gió tây khô nóng. Nhiều cơn lốc có sức gió mạnh cấp 10 cuốn phăng cây cối, nhà cửa, gây nhiều thiệt hại không kém gì bão.

     Sương mù cũng là hiện tượng phổ biến ở Phong Điền. Có ba loại : sương mù bình lưu hình thành khi không khí ấm và ẩm tràn qua mặt đất, mặt nước sông biển, ao hồ lạnh; sương mù bức xạ do bức xạ mặt đất hình thành khắp nơi trong các làng mạc, đồng ruộng, rừng cây, bãi cỏ; và sương mù hổn hợp là sương mù kết hợp của hai loại trên.

     3.-Các trận hạn hán, bão lụt lớn trong lịch sử :

    -Về hạn hán, từ thế kỷ 17 đến nay, nổi bật là trận hạn hán năm 1641 (thời chiến tranh Trịnh Nguyễn) làm khô héo lúa má hoa màu gây ra nạn đói khủng khiếp, gần đây là hai trận hạn hán năm 1951 và 1989 cũng gây ra những hậu quả tương tự, tuy không gây ra đói kém nghiêm trọng.

   -Về bão lụt, từ thế kỷ 15 đến nay có những trận bão và lụt lịch sử : trận bão năm 1404 (thời nhà Hồ) phá dải cát bờ biển mở ra cửa Eo (Thuận An); trận lụt năm Giáp Thìn 1844 (thời Thiệu Trị) nước dâng tới 4m dân chúng chết đuối hơn ngàn người; trận bão năm Giáp Thìn 1904 làm sập bốn vài cầu Trường Tiền; trận bão lụt năm 1953 với lượng mưa khủng khiếp cuốn trôi cả thôn Bằng Lãng và cầu sắt bắc qua Gia Hội; gần đây là trận bão năm 1985 và trận đại hồng thủy năm 1999 cũng gây ra những hậu quả nặng nề cho Phong Điền cả về nhân mạng, tài sản và cơ sở hạ tầng, nhất là ở nông thôn, đồng bằng thấp.

            ·       THỦY VĂN

1.    Sông ngòi :

     Phong Điền có Ô Lâu là dòng sông chính của huyện, kế đó là sông Bồ  (ranh giới chung với Hương Trà) với hai phụ lưu nằm trong lãnh thổ của huyện là rào Tràng và sông Ô Hô.

    -Sông Ô Lâu  khởi nguồn từ ngọn Ô Lâu trên vùng núi phía tây, chảy về phía đông và đông bắc qua vùng núi đồi Phong Mỹ, Phong Thu về thị trấn Phong Điền. Sau  khi qua khỏi cầu Phò Trạch chuyển hướng tây bắc men theo phía đông QL. 1A về Hội Kỳ, rồi lượn thành một khúc uốn bao quanh ba mặt làng Phước Tích. Qua khỏi cầu Phước Tích, nhập với sông Thác Mã (tức sông Mỹ Chánh) chính thức thành sông Ô Lâu, chảy xuống Vân Trình theo hướng đông bắc, là ranh giới Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. Từ Vân Trình, sông đổi hướng đông nam để vào phá Tam Giang.

     Lưu vực sông Ô Lâu có diện tích 900km2, sông chính dài 66km, độ cao đầu nguồn 900m trên mực nước biển, dộ dốc trung bình 13,1m/km. Ô Lâu là sông có nhiều nước, hằng năm đổ vào phá Tam Giang một lượng trung bình 576 triệu m3 nước, trong đó bốn tháng mùa mưa lũ chiếm 424 triệu m3 (73,6%) và tám tháng còn lại chỉ 152 triệu m3 (26,4%).

     -Sông Bồ  là một nhánh lớn của sông Hương, bắt nguồn từ vùng núi phía nam huyện A Lưới trên độ cao 900m chảy về phía bắc rồi đông bắc qua vùng rừng núi A Lưới, Hương Trà và Phong Điền. Qua khỏi cầu An Lỗ vào địa phận Quảng Điền, sông đổi hướng đông nam, uốn khúc quanh co trên đồng ruộng Quảng Điền, Hương Trà rồi nhập vào sông Hương ở ngã ba Sình cách Huế 9km về phía bắc. Sông có chiều dài 94km, diện tích lưu vực 938km2.

     -Rào Tràng là nhánh tả ngạn sông Bồ, bắt nguồn từ đỉnh Trường Sơn ở độ cao 1.360m chảy về đông nam rồi đổ vào sông Bồ. Có chiều dài 27km, diện tích lưu vực 147km2, độ dốc rất lớn đến 48,6m/km. Là nhánh sông có nhiều nước vì nằm trong tâm mưa của tỉnh, hằng năm đổ vào sông Bồ đến 20% tổng lượng nước sông này cung cấp cho sông Hương.

     -Sông Ô Hô  cũng là nhánh tả ngạn sông Bồ, nhưng nằm ở địa hình đồi trước núi. Sông bắt nguồn ở cao độ 25m trên mực biển, có chiều dài 19km, diện tích lưu vực rộng 583km2. Ô Hô cũng là sông  ở vùng mưa nhiều, hằng năm cung cấp một lượng nước hàng chục triệu m3. Tuy vậy, do lưu vực sông là nơi dân cư, làng mạc tập trung đông đúc nên dân sinh thường bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lũ lụt mùa mưa và khan hiếm nước vào mùa Hè khi mực nước bị rút xuống quá thấp.

    -Khe, suối, hói, bàu, hồ, trằm : cũng là những dạng cung cấp nước phân bố hầu như khắp nơi trong huyện. Khe A Đong, suối nước nóng Thanh Tân…ở Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Sơn. Hói Hiền Lương ở Phong Hiền và các hói ở Phong Hòa, Phong Bình…Hồ Hòa Mỹ ở Phong Mỹ. Trằm mỹ Xuyên, trằm Ô Môi, trằm Niêm, trằm Thiềm ở Phong Hòa; trằm Hóa Chăm, trằm Bàu Bàng ở Phong Bình…là các địa chỉ tiêu biểu.

    2. Phá Tam Giang :

    Phá Tam Giang đại bộ phận nằm trong lãnh thổ huyện Quảng Điền, ở Phong Điền chỉ có một dải hẹp ven bờ đông thuộc địa phận Điền Hòa và Điền Hải, chiếm một diện tích khiêm tốn chưa đầy 1.00ha so với diện tích 5.200ha của toàn phá. Tuy nhiên vì đây là vùng cửa sông Ô Lâu, nơi tiếp nhận nguồn phù sa phong phú, thuận lợi về môi trường sinh sống và phát triển, nên tài nguyên động thực vật khá dồi dào và đa dạng.


H.2: Thủy trình sông Ô Lâu từ Phò Trạch về phá Tam Giang và các trằm ở xã Phong Hòa (ảnh chụp từ vệ tinh của Google)

 

CHƯƠNG BA

THỰC VẬT, ĐỘNG VẬT, KHOÁNG SẢN

        ·       THỰC VẬT

     Do hoàn cảnh địa lý tự nhiên thuận lợi, khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều, ánh sáng đầy đủ, lại có địa hình đất đai phân hóa từ đông sang tây gồm cả bờ biển, đầm phá, đồng bằng và đồi núi, nên thảm thực vật Phong Điền khá đa dạng, phong phú và xanh tốt quanh năm. Từ núi xuống biển, do khác nhau về điều kiện sinh thái, hình thành những thảm thực vật khác nhau về ngoại hình, về thành phần và loài giống.

    1.-Thảm thực vật vùng núi

    Phân bố tại tây nam Phong Mỹ, Phong Xuân và Phong Sơn. Theo địa hình từ thấp lên cao: từ 100m đến 800m là rừng nhiệt đới ẩm và từ 800m lên đến 1.800m là rừng á nhiệt đới ẩm.

     -Rừng nhiệt đới ẩm  là rừng kín cây lá rộng, có 3 tầng : tầng tán ở trên cùng gồm các cây thân gỗ lớn cao trên 10m, giữa là tầng cây gỗ nhỏ từ 2 đến 8m, dưới cùng là tầng cỏ. Xen kẻ không theo tầng là các cây phụ sinh, ký sinh sống bám vào các cây gỗ và dây leo. Tầng tán trên chủ yếu là các cây thuộc họ dầu như dầu rái, vên vên, chò, kiền kiền, sến…,các cây trong họ đậu như gõ, lim, cẩm xe…, họ dâu tằm như mít, quýt núi và các cây họ trầm, họ nhãn…Tầng tán thấp gồm các cây họ xoài, họ na, họ trúc đào, họ gạo, họ trám, họ bứa, họ bàng, họ thị, họ dẻ…, các cây thuộc họ bằng lăng, họ xoan, họ bồ hòn, bồ đề, họ trầm hương…Tầng cỏ gồm các cây thuộc họ ráng, họ gai, họ lan huệ, họ môn, họ cau, họ cói, họ gừng, họ hòa thảo…

     -Rừng á nhiệt đới ẩm cũng là rừng kín cây lá rộng, thích hợp hơn với các loài cây ôn đới, cũng có cấu trúc nhiều tầng : tầng trên cùng cây cao tới 15m, bên dưới là cây thân gỗ nhỏ từ 2-8m và dưới cùng là cây bụi mọc thưa. Xen kẻ là các cây phụ sinh, ký sinh số lượng lớn. Về thành phần có các cây họ dẻ, họ long não, họ huỳnh đàng, họ thông… Đặc biệt trên các đỉnh núi cao 1.400 - 1.600m mây mù gió lạnh quanh năm, các cây thân gỗ đều thấp, chỉ cao từ 5-6m, cây bụi dày đặc, chủ yếu thuộc họ đỗ quyên và họ chè.

     Hiện nay, theo số liệu điều tra ban đầu của Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế, đã phát hiện được 597 loài thực vật bậc cao, trong đó có 175 loài cho gỗ, 159 loài làm thuốc, 41 loài làm cảnh. Một khu bảo tồn thiên nhiên  với diện tích 41.548ha trên lãnh thổ rừng tây Phong Điền đã được dự kiến thành lập.

      2.-Thảm thực vật vùng đồi

     Thảm thực vật tự nhiên ở vùng đồi Phong Điền mà phần lớn là lau lách, sim mua, tràm chổi đã bị thu hẹp và thay dần bằng các cây trồng nông nghiệp và các khu rừng trồng, ngày càng mở rộng, trong tiến trình khai thác đất đai vào mục đích phát triển sản xuất nông lâm nghiệp.

     Rừng trồng thường là bạch đàn, keo lá tràm, keo tai tượng, đặc biệt là thông nhựa, sinh trưởng khá nhanh phủ một màu xanh bạt ngàn trên vùng đồi, ngoài khai thác nhựa, còn góp phần làm đẹp cảnh quan và tạo không khí trong lành, mát mẻ cho vùng đồi trước đây vốn hoang vu và khô nóng.

    Thảm thực vật tự nhiên còn lại trên đất mỏng hay sỏi sạn là các trảng cây bụi chỉ cao từ 1-2m gồm sim mua, các cây họ thầu đâu, họ bứa, họ long não, me rừng, họ chổi sể, họ trầm hương, họ chuối, họ cói, họ đay, họ bìm bỉm, họ bầu bí, họ tơ hồng và các cây họ đậu. Ven thung lũng sông Ô Lâu qua vùng đồi còn có nhiều rừng tre nứa thứ sinh, cao từ 5-12m, đường kính từ 5-15cm, phổ biến là tre gai, lồ ô, tre ven, hóp gai.

     3.-Thảm thực vật vùng cát nội đồng

     Đó là các  trảng cây bụi thứ sinh, còn gọi là rú cát, bên cạnh rừng trồng và các trảng cỏ trên diện tích không có cây bụi.

     -Rú cát  tồn tại hiện nay của Phong Điền lên tới 600ha, phân bố khắp 5 xã : Phong Bình (300ha), Phong Hiền (200ha), Phong Hòa (65ha), Phong Chương (25ha) và Phong Thu (10ha). Rú cát nội đồng, ngoài cung cấp nhiều loại cây gỗ tốt như trâm bầu, mặt cắt, trèng trèng, trai, dẻ,…còn góp phần cải thiện đất cát về nhiều khía cạnh như cung cấp chất hữu cơ, tăng lượng mùn, điều hòa ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của vi khuẩn trong đất…

     -Rừng trồng  gồm các cây thích nghi với thời tiết khí hậu khô hạn chủ yếu là bạch đàn, tràm hoa vàng, keo tai tượng. Ngoại trừ các vùng đất ẩm có độ phì như quanh mỏ than bùn Phong Nguyên, ven rìa thấp vùng cát Phong Hòa, Phong Bình, cây phát triển nhanh, độ che phủ cao, các vùng còn lại độ che phủ thấp.

     -Các trảng cỏ thứ sinh  là đại bộ phận còn lại của vùng cát nội đồng. Cây cỏ thấp và dày ở vùng trũng đầu nguồn các trằm, thưa thớt  ở vùng đất cát trắng.

     4.-Thảm thực vật vùng ven biển

      Nằm trên dải bờ biển thuộc các xã vùng Ngũ Điền và Phong Hải. Sườn hướng ra biển có cây rau muống biển, dừa cạn, cỏ lông chông. Ở lưng chừng sườn là thực vật hoang dại như xương rồng, dứa dại và phi lao do con người trồng chắn gió. Sườn phía đất liền là lùm bụi. Thành phần và cấu trúc giống như rú cát nội đồng, độ phủ dày, có tác dụng lớn trong việc hạn chế cát bay, cát chảy xuống vườn tược, ruộng đồng.

     Thảm thực vật Phong Điền nói chung, còn  có nhiều loài cây cỏ quen thuộc với dân gian, có giá trị làm thực phẩm hoặc làm thuốc, dễ tìm kiếm, dễ sử dụng, số lượng nhiều vô kể. Như rau má, cỏ mực, cây ké, cây gừng, cỏ cú, cây thuốc cứu, mã đề, tía tô, cây vòi voi, cỏ xước, riềng, khổ qua, hà thủ ô, cam thảo đất, cây dâu, cây nghệ, rau húng, ớt, sả, cây đậu săng, rau sam, cải trời, v.v..

H.3 : Cây xương rồng ở rú cát vùng Ngũ Điền

·       ĐỘNG VẬT

     Cũng như thực vật, động vật Phong Điền khá đa dạng và phong phú. Quá trình sinh sống và phát triển của động vật cũng gắn liền với môi trường sinh thái tự nhiên. Ở mỗi môi trường khác nhau, động vật cũng khác nhau.

     1.Động vật ở vùng rừng núi phía tây

     Tại khu bảo tồn thiên nhiên (chiếm 41.548ha) trong khu hệ động vật vùng núi tây Phong Điền, đã phát hiện được 44 loài thú, 172 loài chim, 53 loài bò sát và ếch nhái, 143 loài bướm.

    -Về thú có tê tê vàng, tê tê Java, cu ly lớn, khỉ đuôi lợn, khỉ vàng, khỉ mặt đỏ, vọoc vá, vượn má hung, chó sói, gấu ngựa, gấu chó, cầy giông sọc, cầy mực, báo gấm, mèo gấm, beo lửa, hổ, bò tót, sao la, mang lớn, sơn dương, sóc bay lớn, nhím đuôi ngắn.

    -Về các loài chim tiêu biểu có gà so, gà lôi, trĩ sao, công, gõ kiến đầu đỏ, niệc hung, hồng hoàng, sả, bói cá, phướn đất, cu xanh, đuôi cụt, khướu đầu xám, khướu mỏ dài, lách lách họng hung, chích chạch má xám v.v..

    -Về loài bò sát và ếch nhái có tắc kè, rồng đất, ô rô vảy, kỳ đà, trăn đất, rắn ráo, cạp nong,  hổ chúa,  hổ mang, rùa hộp, rùa đầu to, rùa núi vàng, ba ba gai, cóc rừng, ếch vạch, ếch cây chân đen v.v..

    -Về loài bướm, hầu hết sống dưới tán rừng, dọc theo bờ sông, khe suối, các bãi cỏ thấp, đất trống, đồi trọc. Đáng chú ý  nhiều loài bướm đã là loài đặc hữu của địa phương. Nhiều loài  thuộc loại quý hiếm như bướm phượng. Một số loài  đã có tên trong sách đỏ Việt Nam.

     Đó là chưa kể trong rừng còn rất nhiều loại côn trùng, sâu bọ, kiến, mối trên thân, cành, lá cây, trên mặt đất, dưới các hang hốc…đã góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng về các giống loài sinh vật.

     2.Động vật ở vùng gò đồi

    Do môi trường sinh thái kém thuận lợi, cảnh quan tự nhiên được thay thế dần bằng cảnh quan nhân tạo nên động vật vùng đồi trong huyện kém phong phú về thành phần và giống loài so với vùng núi phía tây. Thường gặp là chồn, thỏ, nai, mèo rừng, các loài chuột  và bò sát như rắn, rùa, tắc kè, ếch nhái. Đặc biệt là các loài chim sống trong các khu rừng trồng ngày càng dày đặc phủ kín mặt đất như cu xanh, cu ngói, cu cườm, cà cưỡng, ác là, chèo bẻo, chàng làng, chiếp mào…và trên các vùng trũng đọng nước, các bàu như le le, vịt trời, cò, trích, vẹt…

     3.Động vật ở vùng cát nội đồng

     Động vật ở vùng này  có những nét độc đáo và phong phú, nhất là ở rú cát, các lùm bụi rậm quanh các khu đền miếu, mồ mả. Trên mặt đất có chồn, thỏ, các loài bò sát như rắn học trò, rắn ráo, rắn roi, rắn lục… Dưới mặt đất có kỳ nhông, dế, rầy…Ở các trằm, bàu có le le, vịt trời, chim cuốc, cò, vạc… Vùng này cũng có nhiều loài chim như chim sơn ca, chim cu, chim cút, chiếp mào, chèo bẻo, chim khách, chim đa đa… Ở đây chúng sống nhờ các nguồn thức ăn xanh như lá cây, hoa quả dại và  các loài sâu bọ, kiến, mối có sẵn trong đất.

     4.Động vật vùng đất ngập nước của sông Ô Lâu

    Trên lãnh thổ thuộc các xã Điền Hòa, Điền Hải và Phong Chương, là vùng cửa sông Ô Lâu, một trong ba vùng có chim nước tập trung  với mật độ cao. Các đàn ngỗng trời, vịt trời  có thể trên ngàn con, đặc biệt sâm cầm có đàn tới 2-3 ngàn con. Các loài thường trú có choi choi, chắt, nhàn đen, nhạn, chìa vôi, chích, sẻ đồng…

   Trong các sông suối, ao hồ, trằm bàu, đầm phá, ruộng nước  có vô số các loài thủy sản. Các loài cá từ lớn đến bé như cá tràu, cá trê,  cá leo, cá gáy, cá diếc, cá phát lát, cá bống, cá rô, cá thia, cá mại, cá cấn… Bên cạnh là tôm, tép, rạm đồng, lươn, chạch, ếch cho đến ngao, trìa, ốc, hến v.v..  Ngày nay, do nhiều nguyên nhân, nguồn thủy sản tự nhiên này ngày càng trở nên khan hiếm.

                         

H.4 : Hổ cái Lâm Nhi và các hổ con, loài quý hiếm, ở Vườn thú Hà Nội, nguyên là cư dân của rừng núi Phong Điền

Chia sẻ bài viết:

Bài viết liên quan

TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat ngay để nhận tư vấn
Gọi ngay để được tư vấn