Đang tải...
 

Làng Cổ Phước Tích hôm nay trong cảm nhận của những người con xa xứ

Hơn hai mươi năm lưu lạc đất Sài thành, sau chuyến về thăm làng cổ Phước Tích, xã Phong hòa, huyện Phong điền, tỉnh Thừa Thiên Huế vào một ngày đầu thu, trong lòng tôi tràn ngập những yêu thương cùng những ưu tư trăn trở. Cũng như những người con xa xứ khác, tôi có nhiều cảm nhận về quê hương và cũng rất nặng lòng với ngôi làng cổ yêu quý này.
Làng Cổ Phước Tích hôm nay trong cảm nhận của những người con xa xứ
Hơn hai mươi năm lưu lạc đất Sài thành, sau chuyến về thăm làng cổ Phước Tích, xã Phong hòa, huyện Phong điền, tỉnh Thừa Thiên Huế vào một ngày đầu thu, trong lòng tôi tràn ngập những yêu thương cùng những ưu tư trăn trở. Cũng như những người con xa xứ khác, tôi có nhiều cảm nhận về quê hương và cũng rất nặng lòng với ngôi làng cổ yêu quý này.
Phước Tích là một ngôi làng cổ giàu giá trị văn hóa lịch sử, tọa lạc bên dòng sông Ô Lâu xanh mát. Chỉ mất 25 phút đi xe từ trung tâm thành phố Huế hướng về phía Bắc là chúng ta đã có mặt ở nơi này. Đây là vùng đất mà chúng ta có được nhờ đám cưới công chúa Huyền Trân và vua Chế Mân thuộc quốc Champa vào thời nhà Trần, nơi mà cổ xưa được gọi là hai châu Ô, Lý. Chính vì lẽ đó, mà vết tích của người Champa vẫn còn với cây thị nghìn năm tuổi và miếu Quảng Tế với biểu tượng văn hóa thiêng liêng của người Chăm là Linga và Yoni. Cũng chính tại nơi đây, nơi mà những ngày đầu vào trấn thủ vùng Thuận Hóa, chúa Nguyễn Hoàng và những dòng họ trung thành đã nhìn thấy vùng đất thắng địa, cho xây dựng làng nổi tiếng với nghề làm gốm. Điều đó nói lên rằng Phước Tích là nơi có ý nghĩa to lớn với lịch sử của cha ông ta ngày trước cho đến tận ngày nay.
Từ năm 2009, làng được công nhận là di sản văn hóa và được đưa vào bảo tồn cũng như là điểm đến hấp dẫn cho du khách gần xa.Kể từ đó đến nay, làng Phước Tích không còn bị lãng quên bên dòng sông thơ mộng này nữa, mà được quan tâm xây dựng tu bổ từ các cấp chính quyền, các tổ chức cá nhân và địa phương. Nhờ đó, bộ mặt của làng được thay đổi mới khang trang bề thế hơn với những đường bờ kè ven sông, những con đường lát gạch vừa cổ kính vừa hiện đại. Những ngôi nhà cổ, những ngôi vườn cổ không còn bị bỏ hoang hay phải chuyển đổi chủ nhân; thay vào đó được dựng xây tu bổ tạo thành một quần thể tổng hợp mang đậm sắc văn hóa làng Việt.
Được như thế, con em gần xa dù ở phương nào cũng góp sức mình để làm đẹp thêm cho làng. Thật lạ thay, chính những ngôi nhà cổ có những chủ nhân thông thái và dường như người và nhà cùng "cổ" dần theo thời gian. Vì là làng nghề nên không có ruộng, con em trong làng phải cố gắng học hành để làm ăn xa, ít thấy bóng dáng những đứa trẻ con cùng nhau chơi nhảy dây hay ô làng, mà chỉ còn lại những người xưa trầm mặc với thời gian.
Về với Phước Tích, chúng ta được hít thở không khí trong lành và mát mẻ, không gian thanh tịnh với những đường đi núp dưới giàn hoa Tigôn xanh mướt, để tận hưởng cảm giác được về với quê mạ sau bao nhiêu năm xa cách. Về lại nơi đây, chúng ta được ăn những món ăn dân dã đậm chất Huế, nghe những điệu hò hát đối của những người xưa, hay ở lại trong những ngôi nhà rường cổ với tuổi thọ hàng trăm năm tuổi, và còn được bơi lội trong dòng nước ngọt ngào, bất chợt nhìn thấy chiếc thuyền lướt hối hả dưới ánh chiều vàng. Những khoảnh khắc và những hình ảnh tươi đẹp ấy không chỉ đã được đi vào thi ca, mà còn hiện hữu giữa đời thường khiến chúng ta cứ mơ màng phải chăng ta đang ở trong giấc mơ cổ tích của thời thơ ấu.
Cũng chính nhờ tâm huyết của những người con trong làng, những giá trị văn hóa ấy đã được du khách gần xa biết đến. Điều đó khiến lòng người Phước Tích ai cũng dâng lên niềm tin tưởng tự hào.
Tuy nhiên, với mong muốn phát huy hơn nữa tiềm năng du lịch của làng cổ Phước tích, chúng tôi vẫn thấy đâu đó còn sự thiếu nhịp nhàng  trong phương cách tổ chức du lịch, vẫn muốn Phước Tích tỏa sáng và vươn xa hơn trên con đường hội nhập.
Trước hết, chúng tôi thấy mọi hoạt động đón tiếp du khách dường như còn thiếu tính chuyên nghiệp. Dù đã có văn phòng tổ chức hay còn gọi là Ban quản lý, tuy nhiên đội ngũ này còn vắng bóng những con người năng động và thành thạo ngoại ngữ, gây khó khăn cho những du khách vãng lai không theo đoàn và thiếu hướng dẫn viên hay người phiên dịch. Địa điểm giao dịch với “Ban quản lý” của khu di tích cần đặt vị trí hợp lý hơn, thay vì là một nơi khó tìm kiếm như hiện nay. Về nội dung thuyết minh các giá trị văn hóa cũng như lịch sử của làng, còn thiếu sự đồng bộ giữa những người thuộc thế hệ trẻ và những người đi trước. Một bên là đội ngũ quản lý trẻ, giàu sự nhiệt tình nhưng chưa được trải nghiệm cùng lịch sử và thời gian, một bên là những người già trong làng với sự chiêm nghiệm cùng năm tháng. Hai thế hệ này chưa cùng chung một tiếng nói để đưa ra một bài thuyết minh thống nhất. Chúng tôi rất may mắn đã được gặp Thầy Lê Trọng Đào, một người sinh ra và gắn bó với làng quê. Thầy rất nhiệt huyết và nặng lòng với quê nhà và rất nhiệt tình với du khách.
Bên cạnh đó, trong hoạt động phối hợp giữa Nhà nước và địa phương, với cá nhân, chi phí đón tiếp du khách còn mang tính tự túc từ phía nhân dân, chưa được đầu tư thích đáng. Chẳng hạn như trong việc tổ chức ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật văn hóa làng truyền thống, tất cả đều nhờ hầu hết vào sự nhiệt tình của người dân nơi đây, họ lấy việc phục vụ du khách, quảng bá thương hiệu cho làng là niềm vui, nên mọi hoạt động mới được diễn tiến tốt đẹp. Nhưng nhìn về lâu dài, phương thức này sẽ không còn hiệu quả nữa, vì không một ai cứ đem của nhà ra ngoài đường mà không nghĩ đến một chút gì đó để được tái phát triển.
Chúng tôi còn suy nghĩ nhiều về nghề gốm sứ truyền thống của làng.Với tên gọi là Làng gốm sứ Phước Tích, nhưng nghề gốm còn chưa mang lại thu nhập cho con em trong làng, khả năng sản xuất còn nhỏ giọt. Vì thế gốm sứ đã không thể giữ chân các nghệ nhân được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất quê hương giàu truyền thống này. Họ thường phải đi xa để làm ăn sinh sống vì nghề gốm ở làng thực sự không được phát huy hiệu quả và khó lòng nuôi sống được họ.
Thêm vào đó, dù đi vào khai thác du lịch từ năm 2009, đến nay đã 5 năm, nhưng nhìn tổng thể, mọi hoạt động bảo tồn cũng như nâng cao giá trị du lịch của làng còn đơn thuần, nhỏ lẻ, chưa có những dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách như hoạt động bơi thuyền trên sông, tắm thiên nhiên, sống trong những nhà nghỉ thuần Việt, hay được cuốc cày lao động với nông dân…
Cách tổ chức du lịch cần gọn nhẹ, khoa học, về phương thức đăng ký du lịch, về cách mua vé vì những du khách đến đây, dường như phải tự mò mẫm tham quan là chính. Bởi lý do đó, nên theo ý kiến của nhân dân địa phương, số lượng du khách đến đây còn chưa đông đảo như tiềm năng vốn có của khu di tích này. Trong bối cảnh hiện nay, du lịch homestay và tham quan làng ở một số nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines… đã đạt được những thành quả to lớn. Đó là những địa chỉ du lịch mà chúng ta cần học hỏi.
Nên chăng, chúng ta cần chú trọng đầu tư nhiều hơn cho một số hoạt động văn hóa để tạo tính đa dạng cho quá trình bảo tồn cũng như phát triển du lịch ở nơi này. Trước hết, cần có một ban quản lý nhiệt tình, táo bạo, năng động, và một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, lịch sự, hòa nhã trong hoạt động giao tiếp với cả khách trong nước và khách nước ngoài. Điều cần thiết là phải tạo cho họ sự yên tâm công tác bằng cách tổ chức thi tuyển biên chế cho đội ngũ này chứ không phải làm theo thời vụ như hiện nay. Thêm vào đó, cần gia tăng cũng như chi tiết hóa các biển chỉ dẫn, ít nhất bằng hai thứ tiếng Việt - Anh. Điều này làm cho du khách không cảm thấy có những khoảng cách về địa lí do vị trí của làng tương đối xa so với trung tâm thành phố Huế.
Về tổ chức hoạt động du lịch, cần thiết có những chiếc thuyền du ngoạn trên sông Ô Lâu, hay tái hiện lại những buổi tế thần trong truyền thống văn hóa lịch sử, hoặc tổ chức những buổi tối hò vè đối đáp trong thôn, làng. Và điều quan trọng là người làm du lịch phải hiểu rằng tâm lí du khách là lúc nào cũng mong muốn có thể trực tiếp nhìn thấy những nghệ nhân biểu diễn làm gốm, có thể mua được quà lưu niệm bằng gốm khi đến đây. Những vật nhỏ nhắn ý nghĩa ấy sẽ mãi theo du khách đi khắp các nẻo đường, đến mọi phương trời Đông, Tây, Âu, Á... Nó sẽ lưu dấu những kỷ niệm khó quên cho những ai từng đến thăm và từng ở lại trong ngôi làng cổ Phươc Tích  bình yên bên dòng êm ả này.
 

 

Ths.Hoàng Đức Bảo

(Sài Gòn 08/2013 nhân chuyến ghé thăm làng cổ Phước Tích)

Chia sẻ bài viết:

Bài viết liên quan

TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat ngay để nhận tư vấn
Gọi ngay để được tư vấn