Đang tải...
 

Tưởng nhớ anh hùng dân tộc

Nguyễn Tri Phương (1800-1873) là một đại danh thần Việt Nam thời nhà Nguyễn. Ông là vị Tổng chỉ huy quân đội triều đình Nguyễn chống lại quân Pháp xâm lược lần lượt ở các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873).
Tưởng nhớ anh hùng dân tộc


NGUYỄN TRI PHƯƠNG  
 

    Ngày 18 và 19/11/2013 (nhằm ngày 16 và 17 tháng 10 năm Qúy Tỵ), tại Đền thờ Nguyễn Tri Phương ở ấp Tân Mỹ, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Ban Qúy Tế của Đền đã tổ chức lễ Cầu an, phụng cúng Linh Thần và cầu quốc thái dân an, theo như thông lệ hằng năm.
 


 

    Đến chiêm bái có đông đảo người dân địa phương ở Tp. Biên Hòa, các tỉnh lân cận và Tp. Hồ Chí Minh. Hội đồng hương huyện Phong Điền tại Tp.HCM cũng đã cử đại biểu tham dự, dẫn đầu bởi ông Hoàng Văn Hạnh, chủ tịch ban Chấp hành hội.

    Đền thờ Nguyễn Tri Phương do nhân dân địa phương phụng lập từ lâu - nay đã trở thành di tích lịch sử  văn hóa -  để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc, Người đã từng in đậm dấu ấn tại vùng đất này, trong kháng chiến chống thực dân Pháp buổi sơ khai dưới thời nhà Nguyễn. Đền thờ tọa lạc ngay bên bờ con sông Đồng Nai, đối diện với Cù lao Phố bên kia sông, địa danh một thời từng là nơi cư trú của những người Hoa đầu tiên lánh nạn đến Việt Nam và được chúa Nguyễn cho nương thân...

    Nhân dịp này, website donghuongphongdien.com xin được nhắc lại tiểu sử của vị anh hùng dân tộc, vốn là con dân của vùng đất Phong Điền của chúng ta, qua tổng hợp của trang “Bách khoa toàn thư mở Wikipedia” sau đây:

 

 NGUYỄN TRI PHƯƠNG

         THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP
 
        Nguyễn Tri Phương có tên cũ là Nguyễn Văn Chương, tự Hàm Trinh, hiệu là Đồng Xuyên, sinh ngày 21 tháng 7 năm Canh Thân (tức 9/9/1800), quê làng Đường Long (tức Chí Long), xã Chánh Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Ông sinh ra trong một gia đình làm nghề nông và thợ mộc. Nhà nghèo lại không xuất thân từ khoa bảng nhưng nhờ ý chí tự lập ông đã làm nên sự nghiệp lớn.
 
        -Năm Qúy Mùi (1823) vua Minh Mạng đề bạt ông hàm Điển bộ (Bí thư ở Nội điện), năm sau thăng Tu soạn, rồi Thừa chỉ ở Nội các, hai năm sau thăng Thị độc, Thị giảng học sĩ, năm 1831 thăng Hồng Lô tự khanh.
 
        -Năm 1832, ông được sung vào phái bộ sang Trung Quốc về việc thương mại. Năm 1835 ông nhận lệnh vua Minh Mạng vào Gia Định cùng Trương Minh Giảng bình định các vùng mới khai hoang. Việc thành công ông được thăng hàm Thị lang. Năm 1837, ông bị triều thần gièm pha, nên bị giáng xuống làm thơ lại ở bộ Lại. Cuối năm, ông được khôi phục hàm Chủ sự, sung chức Lang trung. Năm sau ông thăng Thị lang bộ Lễ, năm 1839 thăng hàm Tham tri, làm việc ở Nội các.
 
       -Năm Canh Tý (1840), ông được bổ làm Tuần phủ Nam Nghĩa, trông coi bố phòng cửa biển Đà Nẵng. Công việc hoàn thành tốt đẹp, ông được triệu về kinh thăng Tham tri bộ Công, được vua Thiệu Trị cử làm Tổng đốc Long Tường (Vĩnh Long và Định Tường). Tại đây ông dẹp tan được các toán giặc cướp nước ngoài vào quấy phá. Năm 1844, ông được cải bổ Tổng đốc An Hà (An Giang, Hà Tiên). Năm 1845, ông cùng với Doãn Uẩn đánh bại quân Xiêm La của tướng Bodin, bình định Cao Miên, ổn định hoàn toàn vùng biên giới Tây Nam thuộc miền Tây Nam bộ. Sau, thăng Khâm sai quân thứ đại thần Trấn Tây hàm Tòng Hiệp Biện Đại học sĩ (1845), rồi được thưởng danh hiệu “An Tây trí dũng tướng” (1847).
 
       -Tháng 5 năm 1847, ông được triệu về kinh, thăng hàm Chánh Hiệp biện đại học sĩ, lãnh Thượng thư bộ Công đại thần Cơ mật viện, tước Tráng Liệt tử và được ban một Ngọc bài có khắc bốn chữ “Quân kỳ thạc phụ”, được chép công trạng vào bia đá ở Võ miếu (Huế). Sau khi vua Thiệu Trị mất, ông được đình thần tôn làm Phụ chính Đại thần (theo di chiếu).
 
      -Năm Mậu Thân 1848, vua Tự Đức phong tước cho ông là Tráng Liệt bá. Cùng năm đó cha ông qua đời. Năm Canh Tuất (1850) vua Tự Đức chuẩn phê cải tên ông là Nguyễn Tri Phương. Từ đó tên Nguyễn Tri Phương trở thành tên chính của ông. Sau đó ông được sung chức Khâm sai Tổng thống Quân vụ Đại thần các tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên. Năm 1853, ông được thăng Điện hàm Đông các Đại học sĩ, rồi lãnh chức Kinh lược sứ Nam Kỳ. Trong thời gian này, ông có công lập được nhiều đồn điền, khai khẩn đất hoang, dân cư ở địa phương được an cư lạc nghiệp.

          THỐNG LĨNH QUÂN SỰ CHỐNG PHÁP

          -Năm Mậu Ngọ (1858) tàu chiến Pháp đền uy hiếp Đà Nẵng, vua Tự Đức cử ông làm Quân thứ Tổng thống Đại thần trực tiếp chỉ huy quân đội chống lại. Với vũ khí tối tân, quân Pháp đã uy hiếp và phá hủy một số lớn đồn lũy của Việt Nam, ông bị triều đình giáng cấp nhưng vẫn lưu tại chức. Tuy nhiên do kế hoạch phòng thủ của Nguyễn Tri Phương chu đáo nên quân Pháp không thể tiến lên được.
 
          -Năm 1859, Pháp chuyển hướng đánh thành Gia Định, quân nhà Nguyễn không rõ thương vong nhưng tan rã gần hết. Thành bị hạ, Hộ đốc thánh Gia Định là Võ Duy Ninh tự vẫn. Sau đó Pháp cho phá hủy thành Gia Định. Năm 1860, Nguyễn Tri Phương được sung chức Gia Định quân thứ, Thống đốc quân vụ cùng Tham tán đại thần Phạm Thế Hiển trông coi việc quân sự ở miền Nam.
 
          -Nguyễn Tri Phương chủ trương huy động từ 15.000 đến 20.000 quân; nhưng không tập trung ở một nơi, mà chia thành ba đạo: một đạo chính đóng tại đồn Phú Thọ, chỗ quân thứ Gia Định hiện đóng; một đạo đóng ở phủ hạt Tân An; một đạo đóng ở tỉnh hạt Biên Hòa. Ông hạ lệnh phòng thủ các đường sông, ngòi lớn nhỏ, vừa đánh vừa giữ, dần dần đắp thêm đồn lũy tiến sát đến chỗ địch đóng quân. Do không nắm vững tình hình quân sự và chính trị của Pháp, Nguyển Tri Phương đã chủ trương xây dựng đại đồn Chí Hòa (sau Pháp gọi là Kỳ hòa) để bao vây, bức rút quân Pháp.
 
          -Ngày 25/10/1861 quân Pháp đã tiến hành công phá đại đồn Chí Hòa. O6ng chỉ huy quân lính chống trả quyết liệt nhưng bị thương, đại đồn thất thủ. Gia Định lại bị chiếm. Trong trận này, em ruột ông là Nguyễn Duy tử trận, ông bị cách chức xuống làm Tham tri, mãi đến năm sau lại được hàm Binh bộ Thượng thư, sung Đổng nhung Quân vụ Biên Hòa, tập hợp lại lực lượng để chống sự bành trướng của quân Pháp.
 
          -Năm 1862, sau khi triều đình Huế ký hòa ước Nhâm Tuất, mất ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ vào tay Pháp, ông được cử ra Bắc làm Tổng thống Hải An quân vụ, thăng chức Võ Hiển Đại học sĩ, tước Tráng Liệt Bá. Năm Nhâm Thân (1872) lại đup75c điều về giữ chức Tuyên sát Đổng sức đại thần, thay mặt triều đình xem xét việc quân sự ở Bắc Kỳ.

          ĐÁNH DẸP GIẶC CƯỚP TRÊN ĐẤT BẮC

          -Từ năm 1863, ông được cử ra Bắc Kỳ đánh dẹp quân Lê Duy Phụng. Năm Tự Đức thứ 25 (1870), quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc vẫn đánh phá cướp bóc các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng. Trong 3 năm trường chúng vẫn uy hiếp các tỉnh này và quan quân liên tục thất bại.

          -Sau khi quan Tổng đốc Phạm Chi Hương bại trận và bị bắt, triều đình đã phái Võ Trọng Bình ra làm Tổng đốc Hà Ninh kiêm Khâm sai Quân thứ đại thần Tuyên-Thái –Lạng. Quan Khâm sai hội với quan Đề đốc Quảng Tây để cùng đánh quân Ngô Côn vì họ cứ quấy phá cả hai bên biên thùy. Vào giữa năm 1869, Ngô Côn đem quân đánh Bắc Ninh, quan tiểu phủ Ông Ích Khiêm đánh thắng một trận lớn, phá tan quân giặc và Ngô Côn bị bắn chết. Ngô Côn chết rồi thì đồng đảng chia làm ba phe tiếp tục cướp phá các tỉnh mạn ngược ở miền Bắc: phe Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc, phe Cờ Vàng của Hoàng Sùng Anh, phe Cờ Trắng của Bàn Văn Nhị và Lương Văn Lợi.

          -Quan Trung quân Đoàn Thọ được gởi từ Kinh ra làm Tổng thống quân vụ Bắc Kỳ. Ông liền kéo quân lên Lạng Sơn. Bọn giặc Khách là Tô Tứ thình lình nổi lên nửa đêm vào chiếm thành giết chết Đoàn Thọ. Võ Trọng Bình may mắn chạy thoát được. Triều đình Huế lại sai Hoàng Kế Viêm ra làm Thống đốc quân vụ Lạng-Bình-Ninh-Thái cùng với Tán tương Tôn Thất Thuyết tìm cách dẹp giặc cho yên. Tiếp theo vua lại sai ông Lê Tuấn là Thượng thơ Hình bộ ra làm khâm sai thị sự để giúp Hoàng Kế Viêm. Rồi Hoàng Kế Viêm giữ mạn Sơn Tây, Lê Tuấn trấn đóng ở Hải Dương. Tuy vậy tình hình vẫn lằng nhằng không giải quyết dứt điểm được.

          -Vua Tự Đức quá lo lắng lại phải vời Nguyễn Tri Phương cho làm chức Tam tuyên quân thứ Khâm mạng Đại thần, được phép tùy nghi lo việc đánh dẹp cho yên. Vu ban cho ông kỳ bài, ấn kiếm, cờ mao tiết, nhung y,v.v. Đến miền Bắc, ông và Hoàng Kế Viêm chủ trương chia để trị, thu phục quân Cờ Đen vì lực lượng này mạnh nhất và dung nó để chế ngự các nhóm khác. Vua Tự Đức bằng lòng và ban cho Lưu Vĩnh Phúc chức Đề đốc với nhiệm vụ tuần phòng ở biên cảnh. Chính sách này tỏ ra có hiệu quả, quân Cờ Đen giúp sức đánh quân Cờ Vàng, Cờ Trắng và sau này tham gia đánh Pháp.
 
          -Năm Tự Đức thứ 24 (1871) vua xuống dụ chuẩn cho ông khôi phục nguyên hàm Thái tử Thái bảo Võ hiện điện Đại học sĩ Trí dõng tướng Tráng liệt bá, nhưng vẫn sung Tam tuyên quân thứ Khâm mạng Đại thần.
 
          CHỐNG GIỮ THÀNH HÀ NỘI
 
          -Năm 1873, Soái phủ Nam Kỳ phái Francis Garnier đem quân ra Hà Nội, lấy cớ giúp dàn xếp sự tranh cãi giữa tay lái buôn Jean Dupuis và chính quyền nhà Nguyễn ở Bắc Kỳ. Thoạt tiên Đô đốc Dupre định đưa ra hai ngàn quân. Tuy nhiên việc mang theo một lực lượng quân sự lớn như vậy đã gây nghi ngờ từ phía triều đình Huế. Cuối cùng đại úy Garnier thuyết phục đô đốc Dupre chỉ cần mang theo vài chục binh sĩ tinh nhuệ. Trên giấy tờ, Garnier có lệnh điều tra tình hình tranh cãi giữa Dupuis và nhà đương cục, trục xuất Dupuis khỏi Bắc Kỳ sau khi đã thu xếp bồi thường thiệt hại cho ông ta. Tiếp đó, Garnier phải buộc nhà đương cục chấp thuận mở cửa thông thương tuyến đường thủy sông Hồng, đặt trạm thuế quan và dùng tiền thuế thu được để hoàn trả phí
tổn cuộc viễn hành. Tuy nhiên thực tế đây chỉ là một mưu toan khi Garnier đã rất hoan hỉ viết thư cho anh trai “Tôi có toàn quyền hành động! Nước Pháp tiến lên!”
 
          -Garnier chuyển quân ra Bắc thành hai đợt, đợt đầu 83 lính, đợt hai thêm 88 lính và hai pháo thuyền (kể cả số thủy thủ và thủy binh). Tới ngày 5 tháng 11 ông ta đã đến Hà Nội trên tàu hơi nước của Dupuis, do Dupuis đi đón dọc đường. Cộng với thuộc hạ của Dupuis, gồm 10 người Âu, 30 người Á, 150 lính đánh thuê Vân Nam và một số lính Cờ Vàng, Garnier chuẩn bị đánh chiếm thành Hà Nội sau khi nhận thấy các yêu sách của mình không đe dọa được Nguyễn Tri Phương.
 
          -Đêm 19 rạng sáng ngày 20 tháng 11 năm 1873, Garnier đánh úp thành Hà Nội. Quân Pháp bất ngờ đánh chiếm vòng phòng thủ bên ngoài của hai cửa phía nam và vượt qua cầu trước khi quân trú phòng kịp bắn xuống. Đồng thời pháo từ các pháo thuyền cũng bắn lên, khiến cho binh lính phòng thủ, do không quen với đạn pháo, bỏ chạy tán loạn khỏi thành theo cửa tây. Cùng lúc đó, hỏa lực quân Pháp cũng bắn vỡ cửa nam, và chỉ trong một giờ, quân Pháp đã treo cờ tam tài lên vọng lâu thành Hà Nội.
Hơn hai nghìn quân triều đình bị bắt làm tù binh, về phía quân Pháp, chỉ có một người lính đánh thuê Vân Nam của Dupuis chết do một viên sĩ quan Pháp bắn nhầm.
 
          -Con trai Nguyễn Tri Phương là Phò mã Nguyễn Lâm bị trúng đạn chết tại trận, Nguyễn Tri Phương cũng bị trọng thương. Ông được lính Pháp cứu chữa, nhưng ông khảng khái từ chối và nói rằng: “Bây giờ nếu ta chỉ gắng lây lất mà sống, sao bằng thung dung chết vì việc nghĩa”. Sau đó ông tuyệt thực gần một tháng và mất vào ngày 20 tháng 12 năm 1873 (1 tháng 11 âm lịch), thọ 73 tuổi. Thi hài ông và Nguyễn Lâm được đưa về an táng tại quê nhà. Đích than vua Tự Đức tự soạn bài văn tế cho ba vị công thần (Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy và Nguyễn Lâm) và cho lập đền thờ Nguyễn Tri Phương tại quê nhà./.

    

Chia sẻ bài viết:

Bài viết liên quan

TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat ngay để nhận tư vấn
Gọi ngay để được tư vấn