Đang tải...
 

VÀI NÉT VỀ DANH NHÂN TRẦN VĂN KỶ

Nhân kỷ niệm 212 năm ngày mất của danh nhân Trần Văn Kỷ (24/12/1801 – 24/12/2013), người quê làng Vân Trình, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế, từng là một trong những công thần của triều đại Tây Sơn, website donghuongphongdien.com xin giới thiệu bài viết sau đây của tác giả Nguyên Thanh viết về danh nhân đồng hương tiền bối này.
VÀI  NÉT VỀ  DANH  NHÂN TRẦN VĂN KỶ

Lời giới thiệu

        Nhân kỷ niệm 212 năm ngày mất của danh nhân Trần Văn Kỷ (24/12/1801 – 24/12/2013), người quê làng Vân Trình, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế, từng là một trong những công thần của triều đại Tây Sơn, website donghuongphongdien.com xin giới thiệu bài viết sau đây của tác giả Nguyễn Vinh viết về vị danh nhân đồng hương tiền bối này.

 

VÀI NÉT VỀ  DANH NHÂN

TRẦN VĂN KỶ

http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/8/89/Tr%E1%BA%A7n_V%C4%83n_K%E1%BB%B7.jpg/200px-Tr%E1%BA%A7n_V%C4%83n_K%E1%BB%B7.jpg

 

 

Tượng thờ Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ

 
trong Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt
(Bảo tàng Quang Trung, Bình Định)
 

     Khác với Nguyễn Tri Phương (1800-1873),   là danh tướng và là đại công thần của triều Nguyễn, cũng khác với Nguyễn Lộ Trạch (1853-1898), chỉ là một sĩ phu theo hướng canh tân yêu nước, không khoa bảng, không tước vị, ở Phong Điền, trước đó còn có danh nhân Trần Văn Kỷ (?-1801), đã từng là một danh sĩ, một trung thần, một quân sư và là nhà tham mưu đắc lực của triều Tây Sơn - Quang Trung Nguyễn Huệ.

·                        

   *           *Thân thế và sự nghiệp 

     Trần Văn Kỷ người làng Vân Trình, trước đây vào thời ông, thuộc địa bàn tổng Vĩnh Xương, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa. Nay làng Vân Trình thuộc xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

      Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh chị em, nhưng từ bé đã nổi tiếng thông minh và hiếu học. Năm Đinh Dậu (1777) thời vua Lê Hiển Tông – niên hiệu Cảnh Hưng, ông đỗ đầu (giải nguyên) khoa thi Hương ở Phú Xuân. Năm sau về kinh thành Thăng Long thi Hội. Sử không chép rõ việc ông thi cử ra sao, chỉ biết đó là cơ hội để ông tiếp xúc, quen biết và tìm hiểu kỹ về các sĩ phu xứ Bắc Hà.

     Nhờ đó, năm 1786, khi chiếm được Phú Xuân, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ tin dùng ông và phong cho ông chức Nội tán, sau đó thăng đến chức Trung Thư - Phụng Chính, là chức quan có nhiệm vụ tham mưu, nắm toàn bộ trung thư cơ mật, chuyên lo việc dự thảo sắc phong, chiếu lệnh cho nhà vua.

     Năm 1788, Trần Văn Kỷ theo Nguyễn Huệ ra Bắc, dịp này ông đã tiến cử một số nhân vật có tài ra giúp Tây Sơn như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích,… kể cả Nguyễn Thiệp (tức La Sơn phu tử), đang sống ẩn dật ở Hà Tĩnh – mặc dù ông này trước sau vẫn giữ thái độ hòa hoãn, không tham gia tích cực. Năm sau 1789, cũng tại Bắc hà, vua Quang Trung đánh tan quân xâm lược nhà Thanh, trong đó có phần tham mưu và giúp sức của các bề tôi trung thần như Trần Văn Kỷ.

     Năm 1792, lúc vua Quang Trung bất ngờ lâm bệnh và sắp băng hà, ông và tướng Trần Quang Diệu được vua cử làm Phụ chính cho vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản). Song sau khi vua cha qua đời, Cảnh Thịnh lên ngôi ở tuổi còn quá trẻ (mới 10 tuổi), mọi quyền hành từ đó sớm lọt vào tay Thái sư Bùi Đắc Tuyên, là cậu ruột của nhà vua, trong khi Trần Văn Kỷ và Trần Quang Diệu tỏ ra lép vế, không có thực quyền.

     Có uy lực trong tay, Bùi Đắc Tuyên bắt đầu lộng hành, tìm cách trừ khử những người không cùng phe cánh với mình, mà người đầu tiên là tướng Lê Văn Hưng. Trần Văn Kỷ bất bình can ngăn việc này thì lập tức bị quan Thái sư giáng chức đày ra làm lính ở trạm Hoàng Giang (Phước Tích) ở phía Bắc Thừa Thiên. Tuy vậy không lâu sau đó, nhân cơ hội tướng Võ Văn Dũng đang là Trấn thủ Bắc Thành, bị Bùi Đắc Tuyên nghi kỵ triệu hồi về Phú Xuân (thay thế bởi tướng Ngô Văn Sở), Trần Văn Kỷ đã gặp và tham mưu cho Võ Văn Dũng, bí mật phối hợp cùng Nguyễn Văn Huấn và Phạm Công Hưng bắt gọn và diệt trừ vị Thái sư chuyên quyền cùng phe cánh của y, trong đó có con trai của họ Bùi là Bùi Đắc Trụ và tướng Ngô Văn Sở.

     Mặc dầu sau sự kiện “dẹp loạn thần” thành công này, Trần Văn Kỷ được phục chức Phụ chính và lại giữ Viện Trung thư, nhưng cũng từ đây, sau hàng loạt những biến cố mất đoàn kết trong nội bộ Tây Sơn mà mở đầu và nghiêm trọng nhất là tranh giành lãnh địa và quyền lực giữa hai anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ khiến phải một phen hao binh tổn tướng, rồi đến những vụ nghi kỵ giết hại lẫn nhau giữa các quan đại thần, chế độ của triều Tây Sơn ngày càng lún sâu vào khủng hoảng và suy yếu trầm trọng. Việc trị nước yên dân không còn thì giờ để nghĩ tới khiến dân tình lâm vào cảnh khốn khổ, lòng dân lúc này đã chán ngán, chỉ mong có một sự thay đổi. Câu hát trong dân gian lúc bấy giờ:

 
                           “Lạy trời cho cả gió nồm
 
                  Để cho chúa Nguyễn kéo buồm thẳng ra”

đã nói lên tâm tư nguyện vọng của người dân lúc ấy.

     Lợi dụng tình hình này, Nguyễn Phúc Ánh tăng cường tấn công quân Tây Sơn ở khắp mọi mặt trận và kết quả là đã chiếm được thành Phú Xuân vào tháng 6 năm 1801. Vua quan nhà Tây Sơn phải tháo chạy về phía Bắc rồi sau đó phải bị bắt và bị xử, chấm dứt 24 năm tồn tại của nhà Tây Sơn và 13 năm trị vì của vương triều Quang Trung Nguyễn Huệ.

 

 

*Một kết cục bi thảm

     Trần Văn Kỷ đã không theo vua ra Bắc như những quan lại khác. Có lẽ, hơn ai hết, ông biết rõ nội tình và thực lực của triều đại Tây Sơn lúc bấy giờ và rõ ràng không còn niềm tin vào khả năng kháng cự, vào khả năng lật ngược thế cờ. Ông đổi tên, cải dạng tạm lánh về quê nhà. Sau chúa Nguyễn biết được cho mời ra cộng tác, nhưng ông đã cương quyết không nhận lời. Nhà sử học Đỗ Bang viết : “Không thể dụ dỗ được, chúa Nguyễn buộc ông vào án tử, nhưng được ban ân chết theo lối “tam ban triều điển”. Nghĩa là chọn một trong ba cách chết : tự chém bằng gươm, tự thắt cổ bằng giải lụa hay tự uống thuốc độc mà chết. Nhưng cuối cùng ông đã không chọn cho mình cách nào trong số ba cách đó cả !

    Trước khi chịu án, ông xin vua một ân huệ sau cùng và được chấp thuận là về quê bái tạ Từ đường. Thuyền đã đưa ông về làng Vân Trình theo ngã sông Hương ra phá Tam Giang để ngược dòng Ô Lâu, nhưng mới đến ngã ba Sình, ông đã hô to câu : “Trung thần bất sự nhị quân” rồi nhảy xuống sông tự vẫn. Đó là ngày 19 tháng 11 năm Tân Dậu (tức 24 tháng 12 năm 1801).

     Điều đáng nói, đáng ngỡ ngàng là sau khi nghe tâu lại sự kiện này, thay vì nể phục tinh thần trung quân của một trung thần, Nguyễn Phúc Ánh lại thêm vào án xử ông bằng một cái lệnh cực kỳ nặng nề : đó là án “tru di tam tộc”. Kết quả là, theo nhà sử học Đỗ Bang, có cả thảy 52 người trong gia tộc Trần Văn Kỷ bị xử chết, bị cải họ tên hoặc phải bí mật trốn biệt khỏi xứ.

      Nhưng suy cho cùng, tâm lý chung của các chế độ quân chủ phong kiến trước đây, vì sự tồn tại của ngai vàng mà những người thắng cuộc thường chủ trương và ra tay độc là “diệt cỏ thì phải diệt cho tận gốc”. Bởi vậy mới sinh ra cái án “tru di tam tộc” dã man. Và đôi khi vì oán thù mà các hoàng đế cũng trở nên hèn hạ khi đang tâm quật mồ và vứt xác kẻ bại trận đang nằm yên dưới ba tấc đất.

 

 

*   Những chi tiết có hậu

     Điều có hậu, theo lời kể của những người trong giòng tộc thì sau khi Trần Văn Kỷ tự tử, người dân làng Kim Bôi gần đó đã bí mật vớt xác, rồi cùng với dân làng Vân Trình âm thầm đưa về táng (mà không đắp nấm) tại một điểm khá kín đáo trên cánh đồng phía Tây Nam của làng. Mãi gần 150 năm sau, khi triều đại nhà Nguyễn cáo chung (1945), người dân làng ở quê ông mới mạnh dạn sửa sang ngôi mộ, dựng bia và làm lễ tế hàng năm. Ngôi mộ này đã được Bộ Văn hóa-Thông tin Việt Nam ra quyết định công nhận là “di tích lịch sử cấp quốc gia” vào năm 1995.

      Một chi tiết có hậu nữa, theo gia phả họ Trần ở làng Vân Trình, thì Trần Văn Kỷ là hậu duệ đời thứ 11 của ngài Thỉ tổ họ Trần Văn ở làng này, có tên húy là Trần Văn Lộc. Cha là Trần Văn Hồng đi lính làm suất đội trưởng. Trần Văn Kỷ có vợ là Châu Thị Đang, người Bình Định, có hai con trai, trưởng là Trần Văn Đức, sinh năm 1784 và Trần Văn Khuê là con trai út.

     Trong thời gian ngắn ngủi lưu tại quê nhà năm 1801, biết là cái gì đến cũng sẽ phải đến, Trần Văn Kỷ đã bí mật đưa con trai lớn (lúc đó 17 tuổi) vào ẩn náu ở chùa Thuyền Tôn (một ngôi cùa nổi tiếng ở phía Nam Huế). Tại đây, qua thời gian ở ẩn Văn Đức đã tu đến bậc Đại sư, nhưng sau đó đã hoàn tục, sinh con và về sống ở làng Văn Xá (phía Bắc Huế). Riêng Trần Văn Khuê khi quan quân đến bắt, chỉ mới lên 8, được dân làng bí mật đem ẩn giấu nên thoát chết. Hiện nhánh của Trần Văn Khuê vẫn còn sinh sống ở làng Vân Trình.

      Rõ ràng, triều đại nhà Nguyễn, kẻ chiến thắng, đã xem Trần Văn Kỷ và anh em nhà Tây Sơn cùng văn thần, võ tướng dưới trướng như những tội đồ, nhưng hậu thế khách quan và công bằng thì không phải vậy, vẫn xem họ là những người có công với dân với nước, là những anh hùng đã làm nên chiến thắng lịch sử Ngọc Hồi – Đống Đa (1789), làm rạng danh cho giống nòi, con dân nước Việt.

     Điện thờ Tây Sơn nằm trong Khu Bảo Tàng Quang Trung ở Bình Định,  với 9 pho tượng thờ 9 vị: ngoài Tây Sơn Tam Kiệt (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ), còn có tượng các văn thần, võ tướng là: Thiếu phó Trần Quang Diệu, Đô đốc Bùi Thị Xuân, Đại tư đồ Võ Văn Dũng, Binh bộ thượng thư Ngô Thì Nhậm, Đại tư mã Ngô Văn Sở và Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ  là một công trình tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân anh hùng kể trên./.

 

https://fbcdn-sphotos-d-a.akamaihd.net/hphotos-ak-ash3/578819_4512855058741_1797974893_n.jpg

 
Phần mộ Trần Văn Kỷ tại làng Vân Trình
 

 

NGUYỄN VINH

*Viết theo các tài liệu: Địa Chí Phong Điền (UBND huyện Phong Điền-2005),Việt Nam sử lược-Trần Trọng Kim, Các Triều đại Việt Nam (Quỳnh Cư-2009), Lược sử họ Trần TT-Huế (2012) và tài liệu tổng hợp mạng “Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

 

Chia sẻ bài viết:

Bài viết liên quan

TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat ngay để nhận tư vấn
Gọi ngay để được tư vấn