Đang tải...
 

Vài nét về văn hoá Làng Vĩnh Xương

Văn hóa là nền tảng tinh thần của mỗi con người, là động lực mà cũng đồng thời là mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của một dân tộc. Văn hóa mà chúng ta đang xây dựng là một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đó là lòng yêu nước nồng nàn tiến bộ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chọn lọc những tinh hoa của dân tộc đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tích lũy hàng nghìn năm, qua quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Vài nét về văn hoá Làng Vĩnh Xương
VÀI NÉT VỀ VĂN HÓA

     LÀNG VĨNH XƯƠNG

 

         I. KHÁI QUÁT

Văn hóa là nền tảng tinh thần  của mỗi con người, là động lực mà cũng đồng thời là mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của một dân tộc. Văn hóa mà chúng ta đang xây dựng là một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đó là lòng yêu nước nồng nàn tiến bộ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chọn lọc những tinh hoa của dân tộc đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tích lũy hàng nghìn năm, qua quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước.

Làng là nơi cộng đồng dân cư hình thành thông qua lao động sản xuất, đấu tranh sinh tồn và không ngừng phát triển. Làng là cội nguồn, là nơi chôn nhau cắt rốn, là những hình ảnh thân quen mãi mãi không bao giờ phai mờ trong tâm trí của mỗi con người, nơi có lũy tre xanh, cây đa bến nước, sân đình. Làng là nơi hình thành tồn tại  thiết chế văn hóa, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

Văn hóa làng là nét truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam, trải qua bao đời nay, những thuần phong mỹ tục của văn hóa làng được tổ tiên chúng ta gìn giữ, bảo tồn, phát huy và xây dựng. Hơn bao giờ hết truyền thống đó đã và đang được nhà nước ta quan tâm vun đắp bằng cuộc vận động sẵn sàng xây dựng “làng văn hóa” hiện nay.

Làng Vĩnh Xương thuộc xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế là một  trong những làng của huyện Phong Điền được thành lập sớm ở xứ Thuận Hóa, theo sách “Thiên nam dư hạ tập” của triều Lê có ghi: “trong đời Hồng Đức lập bản đồ, Thuận hóa Thừa Tuyên có 2 phủ, 8 huyện, 4 châu. Tổng Vĩnh Xương có 7 xã 3 thôn, các xã là Vĩnh Xương, Hương Triền, Văn Lô, Siêu Loại, Kế Môn, Đại Lộc, Trung Toàn. Các thôn là: Chính Lộc, Đường Long, Hòa Viện”.

Như vậy tên làng (xã) và  tổng Vĩnh Xương có trước năm Hồng Đức Quý Mão (1483) đời vua Lê Thánh Tông.

Thế kỉ thứ XVI, làng Vĩnh Xương có tên gọi là Vĩnh Áng, là một trong 65 làng (xã) thuộc huyện Kim Trà, phủ Triệu Phong xứ Thuận hóa. Thời các Chúa Nguyễn, làng Vĩnh Áng đổi tên thành làng Vĩnh Thọ. Thời vua Minh Mạng (1820 – 1840) tên làng Vĩnh Thọ đổi thành làng Vĩnh Xương cho tới nay. Minh Mạng năm thứ 16 (1835) thành lập huyện Phong Điền, huyện chia làm 5 tổng, trong đó tổng Vĩnh Xương bao gồm các làng (xã) vùng Ngũ điền, huyện Phong Điền ngày nay.

Là một làng thuần nông, từ thời các Chúa Nguyễn, tại làng Vĩnh Xương đã có nhiều kho thóc của nhà nước, chứa thóc tô ruộng và thóc mua bằng tiền sai dư. Ngoài nghề nông, làng Vĩnh Xương  còn có nghề làm giấy bằng cây vỏ gió. Giấy gió sản xuất thành hình vuông là một mặt hàng có giá trị thời bấy giờ (theo sách Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn, NXB KHXH Hà Nội 1964 trang 260 và trang 357).

Làng Vĩnh Xương vốn có truyền thống văn hiến lâu đời, làng có Văn Thánh, Võ Thánh để thờ tự các bậc tiền bối có công với dân với nước, đồng thời khuyến khích con dân trong làng vì nghĩa lớn, truyền thống hiếu học sẵn sàng xả thân vì nước. Ông Trần Lưu Huệ (Trần Gia Thiện)  thi hương khoa Đinh Mão (1867) đổ cử nhân làm quan tới chức Tổng đốc Binh phủ Nghệ An, quyền Bắc kỳ kinh lược sử, Thư hiệp đại học sỹ, Tổng đốc Hà tiên. Cùng nhiều vị khác có công lao to lớn với dân với nước.

Suốt dặm dài lịch sử, dân làng Vĩnh Xương đã để lại cho thế hệ mai sau truyền thống cao đẹp, đó là: lòng yêu nước nồng nàn, tính cần cù sáng tạo, tinh thần hiếu học, đoàn kết thương yêu trong tình làng nghĩa xóm. Vinh dự thay xã Điền Môn trong đó có làng Vĩnh Xương đã được nhà nước phong tặng danh hiệu cao quí: xã "anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân."

Từ ngày thống nhất đất nước, truyền thống nhân văn ở làng phát triển sâu sắc hơn, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được cải thiện và nâng cao, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, bộ mặt nông thôn ngày càng được đổi mới, tinh thần hướng về cội nguồn, tôn tạo nét bản sắc văn hóa dân tộc được dân làng quan tâm chú ý. Bởi vậy trong qui ước xây dựng làng văn hóa gồm 8 chương, 32 điều nói về những điều khoản chung và những qui định cụ thể nói về sản xuất, bảo vệ sản xuất, xóa đói giảm nghèo, về cảnh quan môi trường, giữ gìn sức khỏe và bảo vệ các di sản văn hóa, các quy định trong quan hệ ứng xử và sinh hoạt hàng ngày, về hoạt động cưới tang, lễ hội, giải trí…toàn thể tộc trưởng đồng nhất kí tên. Bởi vậy muốn là một làng văn hóa mẫu mực, thiết nghĩ cần phải hội đủ những yếu tố sau:

1. Có đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển.

2. Có đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh phong phú.

3. Có môi trường cảnh quan xanh- sạch- đẹp.

4. Thực hiện tốt chủ trương chính sách pháp luật của nhà nước.

 

       II. VÀI NÉT VỀ VĂN HÓA LÀNG XÃ

1. Có một phong cách sống rất Vĩnh Xương:

« Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không ?...để gió cuốn đi». (Để gió cuốn đi của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn). Thật vậy, dân làng Vĩnh Xương là vậy, cuộc đời sau những năm tháng bươn chải để chống chọi lại cuộc sống đầy gian nan, thử thách. Để rồi khi ra đi để lại vỏn vẹn có một chữ « tình ».   Sống trong đời này chúng ta cần có 1 tấm lòng, dù tấm lòng ấy chẳng là cái gì, dù chỉ cho gió cuốn đi. Nội dung  bài ca này sao mà sâu sắc, mặn mà đến thế, hơn nữa lại rất đúng với chữ tình của Vĩnh Xương như vậy.

Chữ tình ở đây có rất nhiều khía cạnh, có thể là tình nghĩa, tình thương, tình anh em, vợ chồng, tình bạn bè, tình tri kỷ hay đơn giản chỉ là chữ tình giữa con người nơi đây với một người xa lạ mới gặp. Người làng Vĩnh Xương sống giản dị lắm. Ngày xưa, ăn cũng không dám ăn, mặc cũng không dám mặc, dù có tiền cũng không dám cao sang vì sợ mọi người nhìn mình với ánh mắt khác. Thời nay đời sống tuy có phát triển nhưng vẫn thanh đạm như ngày nào. Những người có tuổi chỉ có vỏn vẹn từ 3 đến 5 bộ đồ. Những vị giản dị  trong bộ sưu tập cũng chỉ vỏn vẹn chưa quá 3 bộ. Tầng lớp thanh niên trai tráng ăn mặc cũng chẳng màu sắc hoa hòe cho lắm (theo nghĩa bóng), chẳng phải đua đòi như bao chàng trai, cô gái thời hiện đại (ở đây không nói có hợp thời trang hay không?).  Xưa nay vẫn một phong cách ấy «  Đói vẫn sạch, rách vẫn thơm »

Dân nơi đây có cái lạ, dù đói cấp mấy cũng không lấy của ai một đồng. Vấn đề trộm cắp không bao giờ là vấn đề cấp thiết đòi hỏi phải đưa ra hội đồng làng,  người dân thật thà, chất phát đến lạ lùng. Vả lại không có chuyện gì là riêng tư cả (biểu hiện là một việc xảy ra ở đầu làng chỉ 5 phút sau cả làng đã biết rõ tường tận). Ở đây không phải người làng nhiều chuyện mà do hệ thống thông tin từ người này sang người khác phát triển khá mạnh.        

Không biết tiềm lực kinh tế trong gia đình có mạnh hay không nhưng khi đi ra ngoài áo quần luôn luôn chỉnh tề đàng hoàng, đẹp đẽ. Biểu hiện rõ nhất vào các dịp lễ tết, hội hè hay đám cưới : Các Cụ trưởng lão luôn áo dài, khăn đóng. Các Chú, các Bác lúc nào cũng cà-vạt, veston. Các Dì, các O, các Mợ là những bộ áo dài đứng đắn, nết na. Thanh niên trai tráng, thiếu nữ thường mặc những bộ đồ kín đáo nhưng không kém phần đường hoàng lộng lẫy.  Bởi lẽ hơn ai hết dân làng Vĩnh Xương hiểu rõ câu châm ngôn «quen xem dạ, lạ xem áo quần ».

         Cách tiếp khách trò chuyện một cũng niềm nở, vui tươi, không có khoảng cách giữa chủ và khách.  Mời ăn cơm thì mời cho kì được, nếu khách bận thì hẹn hôm sau.  Nếu khách qua đêm chủ bố trí đàng hoàng, chỗ ngủ phải  «hậu hĩnh», sẵn sàng nhường lại chăn, gối cho khách, khách đến thăm giống như người trong nhà, như tri kỉ. Khách và chủ ở đây tuy 2 mà là 1 từ lâu rồi.

Trong nhà, nói năng đàng hoàng, tử tế, có gia tông, giọng nói nhẹ nhàng, có trước có sau. Cha mẹ răng dạy con cái thấu lý đạt tình. Mẹ chồng nàng dâu không bao giờ có hiềm khích cùng yêu thương nhau và vượt qua khó khăn gian khổ. Con cái luôn luôn hiếu kính với cha mẹ. Anh em yêu thương hòa thuận đúng trên đúng dưới. Mỗi lần có việc kỵ giỗ, việc họ, các thành viên trong gia đình họ tộc quây quần bên nhau quanh mâm cỗ và nói chuyện vui vầy. Nhưng từng bậc được sắp xếp rõ ràng: trưởng lão - khách quý - các bác - các chú - các o dượng – cậu dì - thanh niên rồi đến các cháu nhỏ.

Đám cưới được tổ chức trong 2 ngày, nhưng thành phần ban tổ chức phải vào cuộc trước đó từ rất lâu. Chúng tôi chủ yếu tự phục vụ là chính, nhà trai, nhà gái có thể tổ chức cùng ngày hoặc nhà gái trước nhà trai 1 ngày để tiện cho việc rước dâu. Ngày xưa làng tôi có tục ở rễ, đây là quá trình xét lựa nếu không muốn nói là tuyệt đối kĩ càng của nhà gái. Người con trai phải sang giúp việc nhà «đằng ấy» có thể là vỡ đất, gieo mạ, cấy lúa, gặt hái, cày bừa, làm nhà hay chí ít là giúp các công việc vặt trong nhà của gia đình đó.

Ngày phụ (ngày đầu của đám cưới): các thành viên trong nội tộc, hàng xóm thân thích được mời đến dự. Họ phải dựng rạp, dọn dẹp, trang trí. Vào ngày này những nhà có điều kiện thường mổ heo dọn tiệc, chuẩn bị các đồ lặt vặt và mồi nhắm cho văn nghệ về đêm. Ngày chính: là ngày tốt trong năm hợp với tuổi của đôi trai gái chọn ngày chính để rước dâu. Sau sự thỏa thuận giữa hai gia đình về ngày và giờ rước dâu. Nếu cô dâu là người trong làng thì họ nhà trai sắp xếp trước khoảng 1 tiếng đồng hồ đến nhà gái xin rước dâu làm thủ tục rước dâu, rồi đưa dâu về làm lễ bái gia tiên và tổ chức tiệc mừng.

Từ bao đời nay vẫn vậy, việc lo cho người quá cố vẫn là nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi người dân trong làng. Khi một người nằm xuống. Tất cả người thân trong gia đình đều được tập hợp lại đông đủ, bà con làng xóm, họ hàng cùng tới dựng rạp, dựng lều để phục vụ tang lễ. cùng nhau an ủi những người thân trong gia đình người quá cố. Tang lễ có thể kéo dài từ 2 – 3 ngày hoặc 5 ngày thậm chí có thể lâu hơn tùy theo ngày tốt xấu có phù hợp.

Thủ tục thăm viếng cũng không rườm rà cho lắm, thêm nữa làng Vĩnh Xương có nguyên một ban nhạc đờn ca tài tử phục vụ cho tất cả dân làng khi có việc (ông Trần Viễn thời trước và ông Công Khiển, ông Nước ngày nay). Thành phần thăm viếng rất đa dạng : không chỉ bà con, làng xóm thân thuộc mà là cả làng đi viếng, không kể người ấy là ai, địa vị sang hèn như thế nào.  Số tiền viếng thăm tuy không nhiều nhưng đó là cả  tấm lòng, một sự đùm bọc lớn lao để cùng nhau vượt qua khó khăn. Chắc đây là cái lạ tiếp theo của làng tôi.

        Việc chôn cất có nhiều cách khác nhau. Có thể là «họ đưa» nếu tộc họ dân đông, có thể là xóm đưa, phe đưa, thôn đưa hoặc lớn hơn là làng đưa (rất ít). Trong những năm trở lại đây, hầu hết những đám tang ở làng tôi đều dùng đồ chay không còn mổ heo, mổ gà, vịt như ngày xưa nữa. Bởi có sự tham gia của khuôn hội (Niệm Phật đường Vĩnh Xương) nên chúng tôi đã xích lại gần hơn với những giáo lí của nhà Phật.

Qua những điểm vừa nêu trên phần nào đã hiện rõ tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, sống theo nguyên tắc, chuẩn mực, phóng khoán trong sinh hoạt của con người Vĩnh Xương…Bàn về phong cách sống và phong thái văn hóa, làng Vĩnh Xương chắc còn nhiều, nhưng chí ít đó là những điểm nổi bật.

2. Truyền thống hiếu học, chí tiến thủ:

Hiền tài là nguyên khí quốc gia, câu nói của Thân Nhân Trung trải hơn mấy chục thập niên mà vẫn còn nguyên giá trị. Với sự phát triển liên tục của chế độ phong kiến Việt Nam trải dài hơn 10 thế kỉ, ngay từ đời Lý Nhân Tông đã tổ chức khoa thi đầu tiên vào năm Ất Mão (1075),và cho đến khoa thi cuối cùng vào năm Kỉ Mùi (1919) đã để lại cho chúng ta một di sản đồ sộ về tầng lớp trí thức, khoa cử, đó là các ông Trạng, ông Cống, ông Nghè, cụ Phó…,

Chỉ tính riêng triều Nguyễn (1802 – 1945), triều đại cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam đã tổ chức được 39 khoa thi Hội và thi Đình lấy đỗ 557 người, (không lấy trạng nguyên). Dưới thời Lý, mỗi khoa thi cách nhau 12 năm, đến năm Kỉ hợi cách nhau 7 năm, đến đời Lê Thái Tông năm Ất Mão (1435) còn lại 6 năm. Đến năm Quang Thuận thứ 7 (1466) rút còn  3 năm, kéo dài đến thời Nguyễn. Có 3 kì thi nối tiếp nhau: thi Hương , thi Hội và thi Đình. (từ thời Trần Thuận Tông đã có quy định: mùa thu năm nay thi Hương, mùa xuân năm sau thi Hội).

Thi Hương là kì thi của một tỉnh hay nhiều tỉnh cùng chung một trường thi, thời Lê có 9 trường, thời Nguyễn có 7 trường: Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hải Dương, Sơn Tây, Sơn Nam, Hiếu Nam. Năm 1812 Gia Long đặt thêm 2 trường: Quảng Đức (Thừa Thiên, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên,Khánh Hòa, Gia Định) và trường thi Thăng Long . Đến năm 1831 Minh Mệnh cho đặt lại 2 trường phía Bắc đó là trường thi Hà Nội và Nam Định.

Thí sinh trúng tuyển trong kì thi hương gồm 2 loại:

-Loại 1: Cống Sĩ  hoặc Hương Cống: những người này sẽ được dự thi Hội.

-Loại 2: Sinh Đồ: không được dự thi Hội

Người đỗ đầu thi Hương  được gọi là Giải Nguyên.  Đến thời Minh Mạng (1820 - 1840) cho đổi Hương cống thành  Cử nhân và Sinh đồ thành Tú tài. Thi Hương  gồm có 4 kì, mỗi kì cách nhau từ 7 đến 10 ngày, do đó thường kéo dài từ 1 tháng đến 1 tháng rưỡi cho mỗi đợt thi.

Sau khi đỗ cử nhân các vị tân khoa trở về quê hương hoặc được giới thiệu vào học trường Quốc Tử Giám để 1 hoặc 2 năm sau dự kì thi Hội, những người này cũng có thể về làm quan chờ dịp thi Hội, thi Đình.

Thi Hội và thi Đình: là 2 kì thi để đánh giá tài năng cao nhất nên được gọi là Đại tỉ hay Đại khoa. Đợt thi này bao gồm 2 giai đoạn: thí sinh sau khi vượt qua 4 kì thi Hội sẽ được vào thi Đình còn gọi là Điện thí (tại sân vua), do Vua trực tiếp hỏi bài để xếp hạng Tiến Sĩ ở các kì thi Hội.

Do danh hiệu khoa thi mỗi thời một khác nên tên gọi học vị người đỗ đạt Đại khoa cũng khác nhau: Thái học sinh đời Trần, Tiến sĩ đời Lê Thánh Tông (1442). Tiến sĩ gồm có 3 bậc: Nhất giáp (Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa), Nhị giáp (Hoàng giáp), Tam giáp (Đồng Tiến sĩ). Thời Nguyễn không chọn Trạng Nguyên  nhưng định thêm Phó Bảng.

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết:

Bài viết liên quan

TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat ngay để nhận tư vấn
Gọi ngay để được tư vấn