Đang tải...
 

Bài viết về Phong Điền của ông Bí thư Huyện Uỷ

Phong Điền là huyện nằm ở phía Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế, với tổng diện tích tự nhiên trên 95.000 ha, chiếm 18% diện tích đất tự nhiên của tỉnh Thừa Thiên Huế. Huyện có 16 xã - thị trấn, trong đó có 13 xã - thị trấn được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; lực lượng vũ trang Phong Điền và lực lượng Công an huyện được phong tặng Anh hùng. Là địa bàn có nhiều di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng qua các thời kỳ.
Bài viết về Phong Điền của ông Bí thư Huyện Uỷ

PHONG ĐIỀN BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA, TẠO ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI
-------------


HỒ BÊ

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phong Điền


    
    Phong Điền là huyện nằm ở phía Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế, với tổng diện tích tự nhiên trên 95.000 ha, chiếm 18% diện tích đất tự nhiên của tỉnh Thừa Thiên Huế. Huyện có 16 xã - thị trấn, trong đó có 13 xã - thị trấn được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; lực lượng vũ trang Phong Điền và lực lượng Công an huyện được phong tặng Anh hùng. Là địa bàn có nhiều di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng qua các thời kỳ. Tiêu biểu là di tích Trống đồng thời kỳ văn hóa Đông Sơn được tìm thấy vào năm 1994 ở đầu nguồn sông Ô Lâu thuộc bản Khe Trăn (xã Phong Mỹ) được xác định niên đại từ Thế kỷ II đến I trước Công Nguyên (cách đây hơn 2000 năm). Di tích các lò gốm Việt cổ ở Mỹ Xuyên (xã Phong Hòa) được Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật vào năm 1994 thu được hàng nghìn hiện vật gốm với nhiều hình loại phong phú, nghệ thuật đặc sắc. Các chuyên gia khảo cổ học Nhật Bản cho rằng gốm ở đây đã từng có mặt trong nghệ thuật Trà đạo Nhật Bản từ thế kỷ XV. Quần thể di tích Văn hóa Chăm-pa phân bố rộng khắp trên địa bàn huyện, từ vùng núi, đồng bằng cho đến vùng ven biển với các phế tích đền tháp Chăm cùng nhiều hiện vật giá trị như Đài thờ, phù điêu Yony...có niên đại từ thế kỷ IX - X. Đài thờ Chăm và một số hiện vật phát hiện tại Vân Trạch Hòa (xã Phong Thu) là kiệt tác của của nền nghệ thuật cổ Chăm-pa và Đông Nam Á. Chùa Giác Lương làng Hiền Lương (xã Phong Hiền) được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia ngày 23/6/1992. Một số các di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lưu niệm danh nhân, di tích cách mạng đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh như: chiến khu Hòa Mỹ, bia Chiến thắng Thanh Hương, Khu lăng mộ Nguyễn Tri Phương, Trần Văn Kỷ, Lê Văn Miến, Nguyễn Lộ Trạch. Đặc biệt, làng nghề gốm truyền thống Phước Tích, với 36 ngôi nhà rường cổ trong đó có 24 ngôi nhà của dân và 12 nhà thờ các họ, phái… có niên đại xây dựng trên 100 năm tuổi, cùng với nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị đã được xếp hạng di tích làng cổ cấp quốc gia. Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà thờ họ Lê Văn làng Mỹ Xuyên (xã Phong Hòa) xây dựng vào năm Tự Đức thứ 34 (1881) còn bảo lưu những họa tiết, hoa văn truyền thống tinh xảo của làng nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên từ Thế kỷ XIX; đồng thời đây cũng là nơi lưu giữ văn bản Hán Nôm cổ niên đại Đại Hòa thứ 9 (1451) (vua Lê Nhân Tông).
    Riêng về văn hóa phi vật thể, trước hết phải kể đến những làng nghề thủ công truyền thống. Hiện nay Phong Điền còn giữ được các làng nghề như: gốm Phước Tích và điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên (xã Phong Hòa); đệm bàng Phò Trạch (xã Phong Bình); kim hoàn Kế Môn (xã Điền Môn); rèn Hiền Lương (xã Phong Hiền)…Đây là những làng nghề đã có lịch sử hàng trăm năm, gắn liền với sự phát triển chung về kinh tế, xã hội của cộng đồng các làng xã. Đồng thời làng nghề chính là nơi bảo lưu được giá trị của nền văn hóa dân gian đặc sắc bao gồm hoạt động lễ hội, các trò trơi, trò diễn, nghệ thuật dân gian truyền thống…
    Những năm qua, nhằm bảo tồn và phát huy truyền thống của vùng đất văn hóa, các giá trị truyền thống văn hóa, Huyện ủy Phong Điền đã chỉ đạo các ngành chuyên môn tập trung cho công tác khảo sát, điều tra, nghiên cứu, phục dựng các lễ hội và nghệ thuật dân gian truyền thống ở các địa phương trên địa bàn huyện. Qua đó đã cho thấy được một tài sản lớn về văn hóa phi vật thể đang được lưu giữ trong văn hóa làng xã của Phong Điền như: múa hát Sắc bùa, múa Dật, múa Phương Tướng, múa Thiên Hạ Thái Bình ở làng Phò Trạch (xã Phong Bình); lễ giỗ tổ nghề Kim hoàn, múa Náp, việc Tiếu ở làng Kế Môn (xã Điền Môn); lễ giỗ tổ nghề Rèn ở làng Hiền Lương (xã Phong Hiền); lễ hội cầu Ngư xã Phong Hải; múa hát dân gian của bà con dân tộc xã Phong Mỹ…Các trò chơi, trò diễn dân gian: đi cầu nước, bịt mắt đánh trống ở làng Phò Trạch (xã Phong Bình); đu nhún ở xã Điền Hòa và làng Gia Viên (xã Phong Hiền); đập đột (đập om), bài chòi, cờ chòi ở làng Phước Tích (xã Phong Hòa) và một số nơi khác. Ngoài ra, vẫn còn nhiều lễ hội cộng đồng, âm nhạc truyền thống, ẩm thực, tri thức dân gian là những giá trị văn hóa phi vật thể mà chúng ta chưa có điều kiện khai thác phục hồi, đang có nguy cơ mai một.
    Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa nói trên, nhất là giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, Huyện ủy Phong Điền đã tập trung thực hiện các giải pháp sau:
    - Cùng với nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh thế - xã hội nhanh và bền vững, Huyện ủy đã có Nghị quyết chuyên đề về phát triển văn hóa trên địa bàn huyện và đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở để tham mưu giúp Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo triển khai nghị quyết, kế hoạch đề ra.
    - Xây dựng đề án phát triển văn hóa nói chung và các đề án chuyên đề từng lĩnh vực như: Đề án bảo tồn và phát huy Làng Cổ Phước tích (xã Phong Hòa), Đề án bảo tồn và phát triển các làng nghề, Đề án bảo tồn và phục dựng các lễ hội gắn với các làng nghề, vùng đồng bào dân tộc, hoặc tạo điều kiện cho hoạt động lễ hội các tôn giáo...để định hướng và tạo khung pháp lý cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.
    - Hằng năm tổ chức các hoạt động văn hóa vào các dịp lễ lớn hoặc tết cổ truyền để một mặt khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa trong đời sống cộng đồng, mặt khác bảo tồn, lưu truyền các giá trị văn hóa cho các thế hệ mai sau, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân.
    - Những năm gần đây, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đã coi trọng đầu tư kinh phí cho việc xây dựng đời sống văn hóa để bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa, xây dựng thêm các công trình văn hóa mới. Trong đó, chú trọng đầu tư biên soạn, xuất bản các ấn phẩm văn hóa, các công trình nghiên cứu về di sản văn hóa như: Lịch sử Đảng bộ huyện Phong Điền, Dư địa chí huyện phong Điền, Văn hóa dân gian Phong Điền, Truyền thống lực lượng vũ trang nhân dân huyện. Các xã, thị trấn đã đầu tư kinh phí biên soạn lịch sử truyền thống Đảng bộ địa phương.
    - Tăng cường đội ngũ cán bộ có chuyên môn về lĩnh vực văn hóa, chú trọng kiện toàn hệ thống các thiết chế văn hóa và bộ máy quản lý. Đã thành lập Ban quản lý làng Cổ Phước Tích, Ban chỉ đạo các lễ hội, Ban chỉ đạo phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề để chỉ đạo, điều hành có hiệu quả công tác bảo tồn, khai thác phát huy các giá trị văn hóa của địa phương.
    Bằng những biện pháp nói trên, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa nói chung, giá trị văn hóa phi vật thể nói riêng ở Phong Điền đạt được những kết quả quan trọng. Các thiết chế văn hóa làng xã có những bước phục hồi mạnh mẽ, trong đó có việc xây dựng các nhà cộng đồng thôn, bản, tái trùng tu các công trình phục vụ tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng như: đình, chùa, đền miếu, các nhà thờ họ tộc; hương ước, qui ước văn hóa các làng xã được biên soạn, sửa đổi bổ sung theo hướng hoàn thiện và phù hợp với thực tiễn của từng địa phương...Các công việc này đã góp phần vun đắp đời sống tinh thần của người dân ở khu vực nông thôn. Ý thức của người dân trong việc bảo tồn di sản văn hoá, đặc biệt là văn hoá phi vật thể được nâng cao. Việc phục hồi và phát triển các làng nghề truyền thống, bảo tồn văn hoá dân gian thông qua các hoạt động lễ hội làng, lễ hội của các họ tộc, các trò chơi, trò diễn dân gian…đã tác động tích cực đến đời sống tinh thần của người dân xây dựng cộng đồng dân cư đoàn kết, đồng thuận, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy được tiềm năng và sức sáng tạo văn hoá của nhân dân trong vùng, với hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng cùng với các làng nghề thủ công truyền thống, lễ hội truyền thống, trò diễn dân gian đã được khai thác, hình thành những sản phẩm du lịch, tạo thêm nhiều công ăn, việc làm cho người dân có thu nhập ổn định, giúp cho kinh tế xã hội nông thôn phát triển nhanh và bền vững hơn.
    Với những giải pháp hữu hiệu mang tính bền vững với sự đồng thuận cao trong công đồng dân cư, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng ở Phong Điền đã góp phần giáo dục truyền thống, phục vụ du lịch và đáp ứng nhu cầu về hưởng thụ văn hóa của người dân; và là nhiệm vụ thường xuyên trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nhất là trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Cũng chính nhờ vậy, trong những năm qua, mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, quân và dân toàn huyện đã phát huy truyền thống đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, tất cả các chỉ tiêu của Huyện ủy đề ra trong các năm đều thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra, kinh tế của huyện tiếp tục có bước phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhiều năm liền tăng cao, năm 2012 đạt 20%. Thu ngân sách chuyển biến tích cực, năm 2012 đạt gần 80 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư xây dựng toàn xã hội năm 2012 đạt trên 2000 tỷ đồng. Số lượng lương thực có hạt đạt trên 55.500 tấn; nét nổi bật là đã tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, năng suất cây trồng và sản lượng lương thực ổn định; đưa thu nhập bình quân đầu người năm 2010 là 12,58 triệu đồng lên 23,04 triệu đồng năm 2012; văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 là 14,32% giảm xuống còn 10,04% năm 2012; diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc, điện, đường, trường, trạm, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà ở dân cư được xây dựng kiên cố, tầng hóa ngày càng khang trang theo hướng đô thị hóa; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy, đời sống nhân dân được cải thiện; quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố và tăng cường, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững; các tổ chức trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ngày càng vững mạnh,...Phong Điền đã và đang chuyển mình gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế thành Trung tâm Văn hóa du lịch đặc sắc của cả nước, xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Chia sẻ bài viết:

Bài viết liên quan

TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat ngay để nhận tư vấn
Gọi ngay để được tư vấn