Đang tải...
 

Danh nhân khoa bảng Nguyễn Duy Năng

Học rộng, tài cao của Ngài Nguyễn Duy Năng không chỉ thể hiện trong việc ổn định, xây dựng phát triển kinh tế, mở mang bờ cõi mà công lao của Ngài còn thể hiện trong việc phò tá giúp Nguyễn Hoàng về mặt quân sự, đặc biệt là ổn định tình hình ở Bắc hà sau khi nhà Mạc bị lật đổ năm 1592.
Danh nhân khoa bảng Nguyễn Duy Năng

TIẾN SĨ

NGUYỄN DUY NĂNG

DANH NHÂN KHOA BẢNG CỦA PHONG ĐIỀN

*Giới thiệu:

Lần giở danh sách các vị khoa bảng tại Phong Điền dưới thời phong kiến (Địa chí Phong Điền – 2005 – Phần phụ lục), ghi nhận ngoài 65 vị đỗ cử nhân, có tới 13 vị đã đỗ đại khoa, trong đó có 6 tiến sĩ và 7 phó bảng, theo thứ tự thời gian như sau:

-Về Tiến sĩ:

1. Nguyễn Duy Năng     - 1574   (Ưu Điềm)

2. Thân Văn Duy           - 1842   (Chí Long)

3. Nguyễn Thanh Oai     - 1843  ( Kế Môn)

4. Thân Trọng Tiết         - 1851  (An Lỗ)

5. Đặng Như Thức          - 1889  (Thế Chí Tây)

6. Trần Dĩnh Sĩ              - 1895   (Kế Môn)

-Về Phó bảng:

1. Dương Phước Vịnh      - 1842  (Hiền Lương)

2. Lê Thiều                      - 1844  (Ưu Điềm)

3. Nguyễn Trung Thành   - 1851  (Chí Long)

4. Nguyễn (Tri) Thiện      -  1892 ( Chí Long)

5. Trần Đình Bá              -  1898  (Hiền Lương)

6. Nguyễn Đình Tiến       - 1904  ( Chí Long)

7. Thân Trọng Ngật         - 1904  (An Lỗ)

Như vậy, tại địa bàn huyện Phong Điền dưới thời phong kiến, sau khi hai châu Ô Lý được sáp nhập vào cương vực lãnh thổ Đại Việt, ông Nguyễn Duy Năng, người làng Ưu Điềm, là vị khoa bảng với hàm Tiến sĩ đầu tiên và lâu đời nhất (1574). Vừa qua, vào ngày 30/3/2014 (nhằm ngày 30/2 Giáp Ngọ), tại Từ đường họ Nguyễn Khoa ở làng Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, đã diễn ra buổi hội thảo về đề tài: “Tìm hiểu về tiểu sử và hành trạng Tổ đời 3 Ngài Quan Đại tướng Nguyễn Duy Năng”.





 

Đến dự, có đông đủ các thành phần trong họ tộc Nguyễn Khoa (là hậu duệ của vị Tiến sĩ) và các vị thức giả quan tâm đến lịch sử, trong đó có các ông Nguyễn Khoa Thẻo (trưởng tộc), Nguyễn Khoa Hiệt, Nguyễn Khoa Lạnh (nhà giáo ưu tú), Nguyễn Khoa Lân (PGS-TS), Nguyễn Khoa Triển, Nguyễn Khoa Trí, Nguyễn Khoa Hồng Ân, Nguyễn Khoa Từ, Nguyễn Khoa Xưng, Nguyễn Khoa Toàn và Nguyễn Khoa Hồng Vân.

Để bạn đọc đồng hương hiểu rõ hơn về thân thế và sự nghiệp của vị Tiến sĩ tiên phong này của huyện nhà, website donghuongphongdien.com xin trích đăng bản tham luận của ông Nguyễn Khoa Xưng (là Hiệu trưởng Trường PTTH Bùi Dục Tài, Hải Lăng, Quảng Trị) tại hội thảo khoa học nói trên với tựa đề: “Những đóng góp của ngài Nguyễn Duy Năng đối với dòng họ và đất nước”.

                                                                                             *Ban Biên Tập



 

 

 

NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA NGÀI NGUYỄN DUY NĂNG

ĐỐI VỚI DÒNG HỌ VÀ ĐẤT NƯỚC

(Tham luận của ông Nguyễn Khoa Xưng)

          Trong các thế kỷ XV, XVI  ở Việt Nam chúng ta đã xuất hiện các đợt di dân từ các tỉnh thành ở miền Bắc vào khai khẩn các vùng Thuận Quảng của xứ Đàng trong . Hòa trong dòng người ấy, đầu thế kỷ XVI có Thượng tổ đời I của họ Nguyễn Khoa chúng ta, ngài Nguyễn Lộng (1). Kể từ đó cho đến khi Ngài Nguyễn Duy Năng ra đời (1533), dân họ Nguyễn Khoa đã xuất hiện một tài năng không những làm rạng danh cho dòng tộc mà còn góp phần không nhỏ cho sự ổn định của đất nước  lúc bấy giờ.

Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh xã hội phong kiến Việt Nam đang khủng hoảng sâu sắc, các thế lực phong kiến đang tranh giành quyền lực, cát cứ.  Họ Mạc cướp ngôi nhà Lê, họ Trịnh lấn át quyền hành nhà vua, họ Nguyễn ở Đàng trong đang xây dựng thanh thế và ngày càng có ảnh hưởng lớn…

Trong bối cảnh đó, để tự khẳng định mình và vươn lên đóng góp công sức xây dựng quê hương, đất nước, Tổ đời 3 của chúng ta khẳng định chỉ có tiến thân bằng con đường học vấn, khoa cử. Vốn xuất thân từ vùng đất có truyền thống hiếu học (2), với nổ lực và ý chí của cá nhân, sự động viên của gia đình, bà con lối xóm. Năm 1574 ngài Nguyễn Duy Năng thi đổ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ khoa thi Giáp Tuất niên hiệu Sùng Khang thứ 9, đời Mạc Mậu Hợp và được nhà Mạc bổ làm quan đến chức Thừa chính sứ. Đây là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của Ngài, bởi địa vị xã hội  của Ngài đã thay đổi, Ngài đã làm rạng danh cho dòng tộc và có điều kiện để đóng góp sức lực của mình cho quê hương, đất nước.

Thi đổ Tiến sĩ dưới triều Mạc, được bổ dụng chức quan lớn nhưng sau đó Ngài lại vào Nam để làm việc cho triều Lê, được chúa Nguyễn Hoàng trọng dụng và bổ nhiệm chức quan phụ trách về Khuyến nông. Đây là một công việc rất quan trọng lúc bấy giờ bởi xứ Thuận Hóa còn là nơi dân thưa, đất đai hoang hóa còn nhiều, còn nghèo khó…nên việc phát triển nông nghiệp, khuyến khích dân Bắc vào Nam khai hoang phục hóa, lập làng , mở mang bờ cõi là việc hàng đầu. Chính bởi tư tưởng “Dĩ nông vi ban”, chúa Nguyễn Hoàng đã đặt niềm tin vào Tiến sĩ Nguyễn Duy Năng và Tổ đời 3 của chúng ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ấy, nhiệm vụ  mở mang bờ cõi, phát triển kinh tế ở Đàng trong, góp phần xây dựng xã hội ở Đàng trong lúc bấy giờ phát triển vững mạnh.

Học rộng, tài cao của Ngài Nguyễn Duy Năng không chỉ thể hiện trong việc ổn định, xây dựng phát triển kinh tế, mở mang bờ cõi mà công lao của Ngài còn thể hiện trong việc phò tá giúp Nguyễn Hoàng về mặt quân sự, đặc biệt là ổn định tình hình ở Bắc hà sau khi nhà Mạc bị lật đổ năm 1592. Công lao của Nguyễn Duy Năng đã được khẳng định, vua Lê Thế Tông đã có sắc phong:

“Sắc cho hạ chế Nguyễn Duy Năng ở xã Ưu Điềm huyện Hương Trà, đã vì mệnh lệnh của Đô tướng Thái Úy Trường Quốc công Trịnh Tùng mà tòng quân giết giặc lập được chiến công. Nhờ đó , có triều thần kiến nghị đáng được thăng tước Nam và cất nhắc . Nay vua xét cho giữ chức Tiên tiến Trấn quốc Đại tướng quân và phong cho tước hiệu là Văn Hiển Nam để giúp việc quân theo chức trách. Vậy cho nên ta phong sắc này”

Ngày mồng 6 tháng 8 năm thứ 19 niên hiệu Quang Hưng (3)

Với công lao to lớn của Ngài, sau này trong đạo sắc của các vị vua triều Nguyễn đều khẳng định Ngài Nguyễn Duy Năng là một công thần và giao cho xã Ưu Đàm, huyện Phong Điền tiếp tục thờ phụng Ngài (4). Sau này khi đã nghĩ hưu, Ngài mới nghĩ đến chuyện riêng trong dòng tộc, đã thực hiện việc di dời thành công 05 ngôi mộ tổ từ quê gốc xã Trình Uyên, huyện Phượng Nhãn, Bắc Giang về quê hương mới tại Chót Trạng, Ưu Điềm mà ngày nay con dân trong Họ luôn có trách nhiệm tôn tạo và giữ gìn.

Qua nghiên cứu về tiểu sử và hành trạng Tổ đời 3 Đại tướng quân Nguyễn Duy Năng, chúng ta thấy công lao của Ngài thể hiện ở 4 vấn đề sau:

1/ Ngài là một tấm gương khổ học, quyết tâm học tập để thành tài, nêu cao truyền thống học tập cho con em hậu thế trong Họ noi theo.

2/ Ngài là người có công lớn trong việc giúp Nguyễn Hoàng trong việc ổn định tình hình, phát triển kinh tế, mở mang bờ cõi ở Đàng trong.

3/ Ngài là người có công lớn trong việc phò tá Nguyễn Hoàng, giúp Trịnh Tùng ổn định tình hình, giữ yên bờ cõi và được phong hàm tước Tiên tiến Trấn quốc Đại tướng quân Văn Hiển Nam.

4/Ngài là người đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển dòng họ Nguyễn Khoa- Ưu Điềm cho đến ngày nay.

Một số đề nghị:

1/Trùng tu miếu thờ Quan Đại tướng và dựng bia công tích để con cháu hậu thế được biết mà học tập. Đồng thời xác minh thêm tư liệu về Ngài tại các Văn bia thuộc Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội).

2/ Đánh máy lại cuốn Gia phả của Họ và các tài liệu nghiên cứu về Ngài để có kế hoạch bảo tồn lâu dài và tuyên truyền về truyền thống của dòng họ mình.

3/ Xây dựng Quỹ Khuyến học tại Làng để động viên con em trong Họ học tập phấn đấu vươn lên và hằng năm đến ngày giỗ Ngài (15/3 AL) để tuyên dương, phát thưởng.

4/ Đề xuất với Huyện ủy, UBND huyện Phong Điền, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế trình lãnh đạo Tỉnh đổi tên Trường THPT Phong Điền thành Trường THPT Nguyễn Duy Năng. Vì Ngài là một danh nhân văn hóa, lịch sử  và là vị Tiến sĩ đầu tiên của huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế.

 

          *CHÚ THÍCH:

 
   

   (1) Ngài Nguyễn Lộng là ông nội ngài Nguyễn Duy Năng, di cư vào Ưu Điềm-Thuận Hóa trong khoảng thời gian từ 1508-1515.

(2)   Quê gốc Họ Nguyễn Khoa-Ưu Điềm thuộc xã Trình Uyên, huyện Phượng Nhãn, tỉnh Bắc Giang ngày nay.

(3)   Xem tài liệu Hội thảo khoa học Nội tộc trang 36 của chú Nguyễn Khoa Hiệt.

(4)   Xem các đạo sắc của các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức trong Tài liệu Hội thảo, phần phụ lục.

 

Chia sẻ bài viết:

Bài viết liên quan

  • Nhân vật lịch sử - văn hóa (tt)

    Nhân vật lịch sử - văn hóa (tt)

    Hoàn cảnh, sự nghiệp dù có khác nhau nhưng họ đều tiêu biểu cho nhân tài của một vùng đất. Đa số sinh ra và...

  • Nhân vật lịch sử - văn hóa

    Nhân vật lịch sử - văn hóa

    Hoàn cảnh, sự nghiệp dù có khác nhau nhưng họ đều tiêu biểu cho nhân tài của một vùng đất. Đa số sinh ra và...

  • Nguyễn Lộ Trạch

    Nguyễn Lộ Trạch

    Sống một đời ưu tư vận nước Chết an phần một nấm đơn sơ

TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat ngay để nhận tư vấn
Gọi ngay để được tư vấn