Đang tải...
 

Đôi điều về văn hóa mặc xứ Huế

 Đôi điều về văn hóa mặc xứ Huế
Nói tới văn hóa Huế là nói tới các lĩnh vực phong phú và đa dạng, từ ẩm thực, trang phục, nếp nhà ở, đi lại, vui chơi, ca hát, hội hè, thờ cúng, cưới xin..., trong đó có một lĩnh vực văn hóa được bảo tồn khá bền vững là trang phục, đặc biệt là trang phục phụ nữ với tà áo dài tha thướt đã từng níu kéo bao chàng trai đến Huế. Chính ở đó, bản sắc văn hóa Huế biểu hiện rõ rệt nhất, thường xuyên và lâu bền nhất.


Môi trường tự nhiên, lịch sử, văn hóa, sự phấn đấu để tồn tại và phát triển đã tạo nên phong cách Huế với nhiều giá trị đặc trưng mà văn hóa mặc là một giá trị nổi bật. Nhà sử học Lê Quý Đôn đã viết: “Những sắc phục dân gian cũng mặc áo đoạn hoa bát ty và áo sa, lương, đại làm đồ mặc ngày thường”; “đàn bà con gái đều mặc áo the và là hàng hoa, thêu ở cổ”. Câu ví “ăn Bắc, mặc kinh” cũng là nói đến thẩm mỹ trong ăn mặc ở kinh đô Huế thời đó.

Mặt khác, điều kiện lịch sử cũng là một trong những nhân tố tạo nên phong cách mặc Huế, như việc chia cắt Đàng Trong - Đàng Ngoài, chúa Nguyễn vì muốn tạo ra phong tục riêng, nên đã lệnh “trai gái hai xứ đổi dùng quần áo Bắc quốc để tỏ sự biến đổi”. Hay như thời Nguyễn, Minh Mạng lại cấm “quần không đáy” (váy), thành ra ở Huế có nhiều sắc thái riêng trong trang phục, sớm mặc quần, ít dùng áo tứ thân, không quen mặc yếm, vấn tóc, đội khăn vuông đen... Dưới thời thực dân, đế quốc xâm lược, với bản lĩnh văn hóa truyền thống được hình thành và phát triển bền vững, nên thời trang Tây Âu, Bắc Mỹ đều không tìm được chỗ đứng ở Huế. Trong suốt chiều dài lịch sử, người Huế luôn mặc giản dị, nhưng vẫn đàng hoàng, lịch sự, rất tề chỉnh, không tỏ vẻ phô trương. Đó là những nét thầm kín rất Huế cần được phát huy trong thời đại hiện nay.

Vẫn là chiếc áo dài Việt Nam có gốc gác từ áo tứ thân cổ truyền, nhưng trong dòng cải biên, cách tân chung, người Huế đã tạo cho mình một phong cách riêng, từ các yếu tố màu sắc, cách may, trang trí, kiểu mặc… Áo dài Huế được nhiều lớp người Huế mặc như học sinh, sinh viên, viên chức, thanh niên, lớp người trung niên, các bà, các chị làm nghề buôn bán... Các cô gái chọn áo màu trắng hay tím nhạt, các em học sinh, sinh viên chọn màu trắng hay tím Huế... Có lẽ khi nói đến văn hóa mặc xứ Huế trong lịch sử văn hóa mặc Việt Nam là phải nói đến tà áo trắng, áo tím với chiếc nón bài thơ. Hình ảnh ấy suốt hàng thế kỷ nay vẫn bền vững, trường tồn, góp phần tôn thêm vẻ đẹp của phụ nữ Huế.

Người Huế, dù là trai hay gái, đàn ông hay đàn bà đều rất tinh tế chọn màu sắc hợp với từng lứa tuổi, từng bối cảnh cụ thể và xem đó như là một nghệ thuật. Ngày nay, trên đường phố Huế vẫn thấp thoáng những tà áo dài trắng của nữ sinh, tuy thiếu đi chiếc nón trên đầu mà một thời khiến cho ai kia.

         Ra về đã tới giữa đồng
Nón che tay ngoắt động lòng trở lui

Nhưng vẫn thấy xiết bao thân thương, một hình ảnh lãng mạn giữa cố đô cổ kính, trầm mặc./.

 

Báo Kinh tế Việt Nam
 

Chia sẻ bài viết:

Bình luận bài viết:

Loading...
Mới nhất Cũ nhất

Bài viết liên quan

TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat ngay để nhận tư vấn
Gọi ngay để được tư vấn