Địa chí Phong Điền (tóm lược)
CHƯƠNG MỘT
NÔNG NGHIỆP
I.VỊ TRÍ CỦA NGHỀ NÔNG
Từ xưa đến nay, nghề nông luôn có một vị trí quan trọng trong xã hội. Dưới thời phong kiến, nghề nông được xếp vào vị trí thứ hai trong bậc thang đánh giá các nghề nghiệp trong xã hội: sĩ, nông, công, thương, hay “nhất học hay, nhì cày giỏi”. Lương thực, thực phẩm nuôi sống mọi người, từ bữa cơm rau dưa ở chốn dân dã cho đến các thứ cao lương mỹ vị ở chốn cung đình đều do nông nghiệp làm ra. Gặp khi mất mùa, đói kém thì xã hội bất an. Bởi vậy, các vua chúa xưa kia, dù bận trăm công nghìn việc, vẫn luôn chú trọng đến nông nghiệp. Tuy vậy, trong suốt cả chiều dài lịch sử, nông nghiệp thời phong kiến vẫn rất lạc hậu.
Ngày nay, dù đã có nhiều ngành nghề mới, nhưng nông nghiệp vẫn giữ vị trí quan trọng, thu hút đại bộ phận lực lượng lao động trong huyện. Nông nghiệp hiện nay, trong chiều hướng đổi mới nền kinh tế, đã có những tiến bộ rõ rệt, nông dân đỡ phần vất vả mà mùa màng thu hoạch ngày càng đảm bảo và được nâng cao, góp phần xóa đói giảm nghèo khiến bộ mặt nông thôn biến đổi hẵn.
II.TRỒNG TRỌT
1.Cây lương thực
Cây lúa :
Nói đến cây lúa là nói đến kinh nghiệm làm nông thật sâu sắc của ông cha ta trải bao đời cày cấy: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”:
Nước được đặt lên hàng đầu trong bốn điều kiện đảm bảo cho mùa màng thắng lợi. Vì vậy, ở Phong Điền ruộng lúa được phân bố ở những nơi địa hình thấp trũng ở đồng bằng ven sông Ô Lâu và ven các nhánh sông Bồ. Trước đây,vào các tháng giữa mùa hè, trời nắng kết hợp với gió Lào khô nóng đã khiến cho việc đảm bảo ruộng ngập nước là điều cực kỳ khó khăn. Ngày nay, nhờ có nhiều công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu, nên nỗi cực nhọc của nhà nông về khâu nước đã giảm đi nhiều.
Phân đứng vào hang thứ hai. Trước đây nông dân Phong Điền thường sử dụng phân xanh, phân chuồng, trong đó phân lợn có chất lượng tốt và phổ biến nhất. Ngày nay, phân bón được thay thế bằng các loại phân hóa học: đạm, lân, kali. Ngoài ra để xử lý độ chua của đất, nông dân còn dùng vôi bột để trung hòa axit.
Cần, tức sức lao động là điều kiện thứ ba. Ngày xưa công việc đồng áng ở Phong Điền đa phần dùng sức người. Khâu làm đất (cày, bừa) ở các thửa ruộng lớn mới dùng đến trâu. Nhưng dù vất vả nhọc nhằn, năng suất lao động vẫn thấp. Ngày nay các khâu làm đất đều sử dụng máy móc, kể cả gặt đập, thay cho sức người.
Giống lúa ở vùng đồng ruộng Phong Điền trước đây, trong một thời gian dài, ít có thay đổi: hẻo, chiêm, lúa tám và lúa ven (tức nước mặn) với thời gian thu hoạch dài và năng suất thấp. Ngày nay, các giống lúa gieo trồng đã được thay đổi theo hướng chọn các giống ngắn ngày, thích hợp với điều kiện thời tiết địa phương, có khả năng kháng bệnh do sâu rầy gây ra để tăng năng suất và sản lượng. Các giống IR38 cho vụ Đông Xuân, 203 cho vụ Hè Thu đã được dùng. Phổ biến hiện nay là giống lúa Khang Nhân năng suất cao (48 – 50 tạ/ha/vụ).
Ngoài lúa gạo, nông dân trong huyện còn trồng lúa nếp, nhưng không nhiều, chỉ đủ dùng cho việc cúng giỗ và lễ Tết.
Hoa màu :
Ngoài cây lúa, nông dân Phong Điền còn trồng các cây lương thực hỗ trợ như khoai lang, sắn, môn, nưa và bầu bí. Khoai lang được trồng thường xuyên bốn mùa, có khi chỉ để lấy rau. Có nhiều loại khoai như khoai muống, khoai tím. Ngoài ra còn có khoai tía, khoai từ. Sắn cũng là loại dễ trồng, gồm nhiều loại: sắn trắng, sắn tím, sắn xanh, sắn mì. Bên cạnh khoai sắn còn có môn và nưa, ngoài củ còn sử dụng cả lá và thân để nấu canh và làm dưa muối. Bầu bí và các loại rau quả quen thuộc khác cũng được trồng phổ biến trong các nương vườn. Bầu có bầu tròn, bầu dài; bí thì có bí đỏ, bí xanh.
Ngày xưa, tất cả các loại hoa màu vừa kể đều có ý nghĩa bổ sung rất quan trọng cho nguồn lương thực, thực phẩm, nhất là vào kỳ giáp hạt, khi thóc lúa trong các gia đình nông dân đã cạn. Đặc biệt là những năm mất mùa đói kém phải sử dụng thay cho lúa gạo. Ngày nay, sắn chỉ để dùng để chăn nuôi gia súc và lấy bột. Bột sắn còn dùng làm mạch nha, bột ngọt, miến sắn. Tinh bột sắn còn dùng trong kỹ nghệ dệt và công nghệ hóa học.
2.Cây công nghiệp
-Các cây công nghiệp ngắn ngày ở Phong Điền gồm có đậu phụng, vừng, cây bàng và cây bông. Đậu phụng (tức lạc) là loại cây có nhiều chất dinh dưỡng cho cả người và gia súc. Diện tích trồng lạc ở đây tăng nhanh trong những năm qua, đặc biệt ở các xã vùng đồi. Vừng cũng là loại cây có giá trị làm thực phẩm nhưng năng suất thấp, toàn huyện trồng rất ít. Bàng là cây dùng làm sợi để đan đệm bàng, phục vụ nghề thủ công truyền thống một thời thịnh vượng ở làng Phò Trạch. Nhưng nay nghề này chưa được phục hồi nên cây bàng không có cơ hội phát triển. Riêng cây bông chỉ mới được trồng gần đây, thích hợp với đất đai và thời tiết khô nóng.
-Các cây công nghiệp dài ngày gồm có cây chè, tiêu là hai loại đã trồng từ xưa và mới đây thêm cây cà phê và cao su. Cây chè và tiêu trước đây chỉ trồng để sử dụng trong gia đình, nhưng nay do nhu cầu tiêu dùng lớn và xuất khẩu, cây tiêu có điều kiện để phát triển hơn. Tiêu thích hợp với đất đai, thời tiết khí hậu vùng đồi. Trên toàn huyện, diện tích trồng tiêu là 82 ha, chủ yếu ở Phong Mỹ. Cây cà phê và cao su cũng bắt đầu được trồng ở Phong Điền do có giá trị kinh tế cao và thích hợp với điều kiện sinh thái tự nhiên của vùng đồi phía tây huyện. Chỉ cần đề phòng gió lốc và bão bằng cách trồng rừng phòng hộ để hạn chế tốc độ của gió.
3.Cây ăn quả và làm thuốc
-Cây ăn quả được trồng phổ biến trong nương vườn. Thường thấy là mít, cau, chuối, cam, chanh, bưởi bòng. Mít được trồng nhiều ở các xã vùng đồi, chuối thích hợp với đất bồi ven sông, cam chanh bưởi bòng thích hợp với đất phù sa. Ngày nay kinh tế vườn được chú ý nhiều hơn nên nhiều nơi đã đưa vào trồng các cây có giá trị kinh tế cao như xoài, đặc biệt thanh trà diện tích tăng mạnh tập trung tại 3 xã Phong Thu, Phong Mỹ, Phong An.
-Cây cỏ làm thuốc bao gồm nhiều loại cây hoang dã trong rừng đồi, làng mạc và cây trồng trong nương vườn đã được đề cập trong phần thực vật.
III.CHĂN NUÔI
Phong Điền có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngành chăn nuôi trong huyện phát triển mạnh những năm gần đây nhờ vào nguồn thức ăn chăn nuôi phong phú từ sản xuất nông nghiệp, nguồn lao động nông thôn dồi dào và kinh nghiệm chăn nuôi sẵn có, kết hợp các tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi được cập nhật.
-Về gia súc: trâu, bò, lợn là ba vật nuôi phổ biến với đàn trâu 7.650 con, bò 2.736 con và lợn 39.414 con (số liệu thống kê 2004). Trâu được nuôi nhiều ở các xã vùng đồi và đồng bằng do có đất đai và đồng cỏ rộng rãi. Bò được nuôi nhiều nhất ở các xã vùng Ngũ Điền. Riêng đàn lợn phân bố khá đều trong các xã.
-Về gia cầm: gà, vịt, ngan, ngỗng, nhất là vịt rất phổ biến, hầu như nhà nào cũng có nhưng không nhiều. Một số nơi gần sông, ao hồ, đầm phá, đồng ruộng trũng, nhiều hộ dân nuôi vịt đàn chạy đồng để lấy thịt và trứng như ở xã Phong Bình, Phong Chương, Điền Hương…
IV.CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI
Dưới thời phong kiến, ở Phong Điền chỉ có hai công trình thủy lợi, đó là bờ đê xã Vĩnh Xương và bờ đê xã Thanh Hương. Từ sau năm 1975 đến nay, nhiều công trình thủy lợi được xây dựng, đã tạo điều kiện mở rộng diện tích trồng lúa, hoa màu, cây công nghiệp, cây ăn quả và trồng rừng.
1.Các tuyến đê ngăn mặn, ngăn lũ
Gồm có việc sửa chữa, củng cố các tuyến đê ngăn mặn và ngăn lũ lụt dọc hai bờ sông Ô Lâu cho đồng ruộng các xã vùng gần cửa sông và ven phá. Đặc biệt hoàn thành xây dựng mới đập Cửa Lác ( trước đó đã có nhưng hư hỏng) với quy mô lớn và kỹ thuật khá kiên cố. Đập dài khoảng 400m nối liền hai xã Quảng Thái và Điền Hòa, có cống xã lũ và ngăn mặn. Đập Cửa Lác là đập lớn nhất ở vùng cửa sông so với các đập khác trong tỉnh.
2.Các đập và hồ chứa nước
Đập Quao và hồ Hòa Mỹ
Đây là công trình hồ chứa có quy mô lớn nhất trong huyện, hoàn thành năm 1994 sau 4 năm xây dựng. Dung tích 10 triệu mét khối, đủ cung cấp nước cho một diện tích canh tác 2.200 ha thuộc 3 xã Phong Mỹ, Phong Xuân và Phong Sơn. Hồ có cảnh quan đẹp, có thể trở thành điểm tham quan du lịch, nghỉ ngơi giải trí hấp dẫn nếu được đầu tư đúng mức.
Các đập hồ nhỏ ở các trằm bàu khe suối
Ngoài đập Quao và hồ Hòa Mỹ, rải rác khắp các vùng đồi, vùng cát nội đồng và ven biển có cả những khe, suối, trằm bàu, kể từ sau năm 1975 đã biến thành các hồ chứa lớn nhỏ sau khi một loạt các đập chắn ra đời. Có đến trên 70 hồ chứa phân bố khá đều ở các xã và thị trấn, trong đó chỉ tính riêng 16 hồ có dung tích đáng kể đã đến 45 triệu mét khối. Hàng năm hệ thống hồ chứa này có khả năng cung cấp nước tưới cho trên 1.800 ha lúa Đông Xuân và Hè Thu. Ngoài ra còn cung cấp nước cho sinh hoạt của dân cư và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản.
3.Hệ thống các trạm bơm
Đồng thời với việc xây dựng một loạt đập, hồ đảm bảo nguồn dự trữ nước cho mùa màng trong năm, một hệ thống các trạm bơm dày đặc với hơn 63 trạm lớn nhỏ đã được thiết lập và phân bố đếu khắp với tổng công suất lên đế 64.410m3/h. Bên cạnh đó, một hệ thống kênh mương dài tổng cộng 85.780m đảm bảo dẫn nước đến những nơi xa xôi nhất, phát huy tác dụng chống hạn chống úng, khắc phục những bất lợi của thời tiết, khí hậu địa phương, làm cho thu hoạch mùa màng ổn định và năng suất, sản lượng ngày càng tăng.
***
CHƯƠNG HAI
LÂM NGHIỆP
I.NGUỒN TÀI NGUYÊN RỪNG
Phong Điền là một trong những huyện có tài nguyên rừng phong phú, đã cung cấp gỗ, tre nứa và các loại lâm sản có giá trị cho đời sống của nhiều thế hệ dân cư sinh sống trên địa bàn huyện nói riêng và toàn bộ vùng dân cư ven biển bắc Thừa Thiên Huế nói chung. Tuy nhiên qua nhiều thời kỳ, tài nguyên rừng, vì nhiều lý do cả chiến tranh bom đạn lẫn áp lực từ tình trạng đói nghèo và dân số tăng nhanh, đã có chiều hướng suy giảm. Hiện nay, diện tích rừng đang phần nào được phục hồi kể từ sau khi chính phủ ban hành lệnh đóng cửa rừng và đẩy mạnh việc trồng mới diện tích rừng.
Diện tích rừng của Phong Điền, theo kiểm kê năm 2005, là 52.211ha, chiếm 54,74% diện tích đất tự nhiên của toàn huyện, phân bố chủ yếu ở các xã Phong Sơn, Phong Xuân và Phong Mỹ và một phần nhỏ ở vùng Ngũ Điền.
II.KHAI THÁC LÂM SẢN
Hoạt động lâm nghiệp ở Phong Điền trước kia chủ yếu là các hoạt động khai thác lâm sản mà dân gian gọi là nghề rừng. Ngoài ra còn có nghề đốt than phục vụ cho nhu cầu của nghề rèn, nghề đúc và nghề gốm. Nghề rừng, cùng với nghề nông và nghề ngư đã tạo ra hầu hết các sản phẩm vật chất cho xã hội. Bởi vậy, hoạt động khai thác rừng ở Phong Điền đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống cộng đồng dân cư ở đây.
Trước năm 1975
Từ nhu cầu xây dựng nhà, làm bàn ghế và đồ gia dụng, người dân Phong Điền từ lâu đã vào rừng khai thác các loại lâm sản: bước đầu khi nhà cửa còn thô sơ thì chỉ có tre, nứa, lồ ô. Sau đó, khi nghề mộc phát triển thì cần đến các loại gỗ quý như kiền kiền, chò, gụ, sao…Đặc biệt ở thời kỳ chúa Nguyễn Hoàng vào trấn giữ Thuận Hóa, nhu cầu xây dựng nhà cửa dinh thự của các chúa và quan lại đã làm cho nhu cầu về gỗ tăng mạnh. Tuy vậy, hoạt động khai thác lâm sản thời kỳ này đã bắt đầu được chính quyền phong kiến kiểm soát qua việc thiết lập các trạm thu thuế dọc theo sông Bồ và sông Ô Lâu, vốn là hai đường vận chuyển gỗ chủ yếu.
Sang thế kỷ XX, do dân cư tập trung ngày càng đông đúc, điều kiện kinh tế được cải thiện và kỹ thuật xây dựng phát triển nên nhu cầu về gỗ và các loại lâm sản khác tăng mạnh hơn. Từ đó hình thành một bộ phận dân cư gọi là sơn tràng chuyên nghề khai thác lâm sản. Ngoài ra, sau vụ mùa Đông Xuân, những người nông dân Phong Điền cũng thường liên kết với nhau, cùng vào rừng khai thác lâm sản phục vụ cho nhu cầu tự cung tự cấp.
Nói chung, hoạt động khai thác lâm sản ở thời kỳ này chỉ giới hạn ở quy mô thủ công và có tính tự phát.
Sau năm 1975
Từ sau năm 1975, tình hình khai thác lâm sản đã có nhiều thay đổi lớn. Tài nguyên rừng đã được nhà nước giao cho ngành lâm nghiệp quản lý. Mức độ khai thác tự phát đã giảm đáng kể. Các hoạt động khai thác được giới hạn về khối lượng, chủng loại lâm sản và địa bàn, nhằm đảm bảo phù hợp với quy luật sinh thái. Các loại gỗ quý ngày càng bị khan hiếm, nên việc khai thác chủ yếu từ rừng trồng như mít, sầu đông, tràm hoa vàng, bạch đàn…
Gần đây, hình thức tổ chức và quản lý rừng đã có sự thay đổi cơ bản. Tài nguyên rừng trước đây do nhà nước quản lý hoàn toàn, nay đã giao cho các đơn vị kinh tế, tổ chức xã hội và hộ gia đình. Họ là những “chủ rừng” có quyền lợi và trách nhiệm.
Ngành chế biến lâm sản ở Phong Điền đã được hình thành gồm cưa xẻ gỗ, mộc dân dụng, sản xuất đồ dùng bằng mây tre, làm nón. Tuy nhiên trên địa bàn huyện, hình thức chế biến vẫn chủ yếu dựa theo phương pháp truyền thống, chưa có các nhà máy chế biến hiện đại.
III.TRỒNG RỪNG VÀ BẢO VỆ RỪNG
Sự duy trì độ che phủ rừng có ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề bảo vệ tài nguyên đất, vấn đề cung cấp nước cho các hồ thủy lợi, các bàu trằm và nguồn lợi thủy sản ở sông Ô Lâu, phá Tam Giang. Tài nguyên rừng bị suy giảm đã gây hậu quả nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Bởi vậy, trồng rừng đã trở thành yêu cầu cấp bách.
Tuy vậy, hoạt động trồng rừng chỉ thực sự có bước phát triển đáng kể từ sau khi thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho các chủ thể kinh tế. Trồng rừng trên địa bàn huyện đã trở thành một ngành kinh tế. Diện tích trồng rừng đã tăng nhanh, góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Năm 1995 diện tích rừng là 29.505ha thì đến năm 2003 đã tăng lên 36.026ha. Tuy nhiên, diện tích đất trống đồi núi trọc ở Phong Điền vẫn còn rất lớn, khoảng hơn 24.000ha cần được phủ xanh rừng để bảo vệ môi trường sinh thái.
Phong Điền là huyện nằm ở cửa ngõ phía bắc tỉnh Thừa Thiên Huế, rộng 953,751 km2, gần bằng 1/5 diện tích tự...
Tôi và bạn cùng là người Thừa Thiên - Huế…nói chính xác là người Phong Điền. Dù bạn và tôi đang ở quê nhà...