Đang tải...
 

PHONG ĐIỀN: LÀNG NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG

Điều đáng ghi nhận là qua hàng trăm năm tồn tại và phát triển, một thời sầm uất huy hoàng, đến nay, các làng nghề thủ công truyền thống này hầu như đang đứng trước nguy cơ mai một.
PHONG ĐIỀN: LÀNG NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG

MỘT VÒNG QUA CÁC LÀNG NGHỀ

THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG

   PHONG ĐIỀN

 

      Phong Điền xưa kia là vùng đất “dung thân và dựng nghiệp” của các chúa Nguyễn, tiếp đó là cửa ngõ kinh đô một thời của Nguyễn triều. Ở đó, có nhu cầu về  binh khí, có nhu cầu về xây cất dinh thự, nhà cửa cho vua chúa và tầng lớp quan lại, có nhu cầu về trang trí vàng bạc làm đẹp cho cung đình. Phong Điền cũng là xứ sở của nghề nông trong một xã hội vốn là “dĩ nông vi bổn”, ở đó có nhu cầu về nông cụ và các vật dụng phục vụ cho nghề nông cả về kim khí lẫn tranh, tre, nứa, lá…

     Bởi vậy không phải ngẫu nhiên mà ở Phong Điền, từ rất sớm, đã xuất hiện khá nhiều các làng nghề thủ công mà mục đích ban đầu là phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu đó: làng nghề Rèn Hiền Lương, làng nghề chạm khắc gỗ Mỹ Xuyên, làng nghề gốm Phước Tích, làng nghề Kim hoàn Kế Môn, và cả làng nghề đệm bàng Phò Trạch.

     Điều đáng ghi nhận là qua hàng trăm năm tồn tại và phát triển, một thời sầm uất huy hoàng, đến nay, các làng nghề thủ công truyền thống này hầu như đang đứng trước nguy cơ mai một. Bởi đơn giản là không cạnh tranh nỗi với sự ra đời dồn dập của những sản phẩm mới được chế tác từ máy móc, với vô số những vật liệu mới và công nghệ hiện đại. Liệu trên đà này, trong vài thập niên tới, những làng nghề thủ công truyền thống này có thực sự biến mất không ? Xin mời các bạn  với tôi, chúng ta hãy cùng dạo một vòng qua các làng nghề này, để có cái nhìn thấu đáo trước khi có câu trả lời cho thắc mắc ấy.

 

 

     *LÀNG NGHỀ RÈN HIỀN LƯƠNG

    Nhà thờ Tổ nghề Rèn ở làng Hiền Lương

     Đây là làng nghề ra đời  sớm nhất cùng với lịch sử hình thành của làng tính đến nay cũng đã ngoài 500 năm tuổi. Nằm ở bờ Bắc sông Bồ, cách trung tâm thành phố Huế chừng 20km, có thể nói làng Hiền Lương, thuộc xã Phong Hiền, là một trong những ngôi làng Việt cổ nhất tại vùng này, với dấu ấn còn in đậm là ngôi chùa cổ Giác Lương được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XVI, là một trong những Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia của huyện Phong Điền.

    Làng rèn này, trước đây chủ yếu rèn binh khí và nông cụ, một thời nổi danh với tay nghề xuất sắc của những người thợ Hiền Lương, mà tên tuổi được  biết đến nhiều nhất và là niềm tự hào cho nhiều thế hệ con dân làng, chính là ông Hoàng Văn Lịch, người Việt Nam đã chế tạo thành công 3 chiếc tàu thủy chạy bằng hơi nước đầu tiên của Việt Nam dưới thời vua Minh Mạng. Nghề rèn từ đó đã mang đến sự phồn vinh và sung túc cho nhiều thế hệ con dân của làng Hiền Lương trải mấy trăm năm.

    Điều đặc biệt là cùng với những lò bệ vốn có tại quê nhà, những người thợ Hiền Lương còn mang nghề rèn đi khắp nơi, từ những làng xã trong huyện, trong tỉnh, đến những nơi xa xôi hơn…Và chính ở những nơi nhập cư mới đó họ cũng tạo nên những cộng đồng cư dân Hiền Lương với nghề rèn nổi tiếng  uy tín không kém ở quê nhà.

 

    
     Tuy nhiên cho đến nay, với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, sản phẩm về binh khí tất nhiên đã không phải bàn tới nữa, nhưng còn về nông nghiệp, với hàng loạt máy móc ra đời từ khâu làm đất đến khâu gặt đập, những sản phẩm nghề rèn thủ công thô sơ của Hiền Lương như dao, rựa, liềm, hái, cuốc, cày,…xem ra không còn hợp thời nữa. Nghề rèn thủ công đã trở nên  lỗi thời, khó kiếm sống nếu không nói là bế tắc. Người dân làng, đặc biệt giới trẻ, đang dần dần  rời bỏ nghề rèn của tổ tiên để ra đi tìm kiếm con đường mưu sinh mới. Nghề rèn của Hiền Lương hiện nay chỉ còn lác đác vài ba bệ thổi với những “mái đầu bạc phơ” sống lây lấc qua ngày như một nghề tay trái mà thôi.

    Rõ ràng, một mặt, Hiền Lương cần giữ lấy nghề rèn để chuyên sâu thêm như một ngành cơ khí và đổi mới sản phẩm cho phù hợp với bước tiến của thời đại, mặt khác, duy trì một lượng bệ thổi nhất định trong làng như những sản phẩm của du lịch làng nghề, chính là hai hướng đi đúng đắn mà lãnh đạo địa phương cũng đã nhìn thấy rõ. Nhưng xem ra, con đường nào cũng “chông gai” không kém, cũng ngoài tầm với của địa phương vốn đang khó khăn, khi phải đối diện với hai từ “vốn liếng”.

 

*LÀNG NGHỀ CHẠM GỖ MỸ XUYÊN

 

      Từ Hiền Lương, đi xa hơn một chút về phía Bắc, theo Quốc lộ 1A, gần tới cầu Mỹ Chánh, rẽ phải theo Quốc lộ 49B  rồi qua cây cầu Phước Tích và đi hết ngôi làng cổ cùng tên, ta sẽ tới Mỹ Xuyên, ngôi làng bên dòng sông Ô Lâu hiền hòa, đã tồn tại hàng trăm năm và nổi tiếng với nghề mộc và chạm khắc mỹ nghệ.

     Đây cũng là ngôi làng được hình thành khá sớm tại vùng đất này vào khoảng giữa thế kỷ XV thời Lê sơ. Tuy nhiên phải đến thế kỷ XIX (thời nhà Nguyễn) nghề chạm khắc trên gỗ mới xuất hiện ở làng này. Và người đã có công khai sinh ra làng nghề này lại là một người gốc Thanh Hóa, vốn trước đó làm việc cho triều đình, sau trở thành con rể của làng: nghệ nhân Nguyễn Văn Thọ. Chính ông Thọ đã quyết định ở lại quê vợ, truyền nghề lại cho con cháu và người dân trong làng, hình thành dần nơi đây một đội ngũ thợ điêu khắc lành nghề và tài hoa chưa từng có.

     Dấu ấn để lại cho đến ngày nay ở làng Mỹ Xuyên chính là ngôi Từ Đường họ Lê Văn cổ kính được xây dựng vào thế kỷ XIX (đời vua Tự Đức -1881) – là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của hàng loạt công trình kiến trúc dân gian ở vùng đất Thừa Thiên Huế. Nó đã được chính những người thợ làng Mỹ Xuyên thiết kế và xây dựng lên với kết cấu 3 gian 2 chái, là dạng nhà rường kiểu mẫu của người dân xứ Huế thời đó. Tất cả hệ thống cột, kèo, đòn tay, rui, mè đều được làm bằng gỗ quý và được chạm trổ một cách khá tinh vi, mà hiện vẫn còn được lưu giữ gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay.

    
      Nghề chạm khắc gỗ ở Mỹ Xuyên mang đường nét đặc trưng tiêu biểu cho phong cách trang trí có giá trị thẫm mỹ cao trước đây của xứ Huế. Nó đã từng cho ra lò những sản phẩm hết sức đa dạng không những ở dạng điêu khắc tượng tròn mà còn ở dạng phù điêu vốn phổ biến trong các công trình kiến trúc cung đình Huế, cũng như nội thất những ngôi nhà rường trong dân gian và  cả trong các vật dụng trang bị cho sinh hoạt hàng ngày như bàn, ghế, giường, tủ,…của người dân xứ Huế một thời.

     Ngày nay, nghề điêu khắc nói chung và chạm khắc gỗ nói riêng vẫn được bảo tồn và phát triển. Con dân làng Mỹ Xuyên không những nối nghiệp tổ tiên ở quê nhà mà còn vươn ra tới ở những tỉnh thành khác trong cả nước, mang theo vốn liếng là tay nghề chạm trổ và điêu khắc nhuần nhuyễn của mình để xây dựng cuộc sống mới. Và trên căn bản những kỹ thuật làng nghề vốn có, họ còn học hỏi thêm từ nhiều nguồn khác nhau để ngày càng hoàn thiện sản phẩm của mình.

     Tuy nhiên, với rừng cây nhiệt đới cho gỗ quý ngày càng cạn kiệt, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới, chất liệu truyền thống là gỗ tự nhiên để chạm khắc xem ra ngày càng khan hiếm. Mặt khác, nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng về nhà cửa và các trang thiết bị, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình cũng ngày càng thay đổi, nghiêng về các chất liệu mới, dẫu không bền bằng nhưng tiện lợi và bắt mắt hơn. Thị trường của sản phẩm chạm khắc Mỹ Xuyên dẫu đã được mở rộng ra khắp các tỉnh thành trong và ngoài nước, nhưng khách hàng tiêu thụ lại ngày càng bị thu hẹp. Người ta chỉ sử dụng những sản phẩm này  chủ yếu để trang trí, thưởng thức nghệ thuật, để sưu tập như dạng những đồ cổ cao cấp, và tất nhiên chỉ dành cho những khách hàng có trình độ thưởng lãm thẫm mỹ cao mà thôi.

 

*LÀNG NGHỀ GỐM PHƯỚC TÍCH


     Đây là làng nghề gốm thủ công truyền thống của huyện nhà đã được truyền thông quảng bá nhiều kể từ Festival 2006 qua tour “Hương xưa làng cổ” và nhất là khi ngôi làng Phước Tích được công nhận là Di tích  Quốc gia làng cổ vào năm 2009.


   
       Gốm Phước Tích đã tồn tại qua hơn 500 năm cùng với thời điểm hình thành làng  vào thời Lê sơ giữa thế kỷ XV do ngài Phó tướng Hoàng Minh Hùng là cụ tổ khai canh. Nghề gốm Phước Tích cũng bắt nguồn từ Nghệ An theo chân người xứ Nghệ vào đây lập nghiệp. Bởi làng Phước Tích nguyên xưa là xứ Cồn Dương bao quanh bởi dòng sông Ô Lâu, không có mảnh ruộng nào, nên cuộc mưu sinh của dân làng chủ yếu dựa vào nghề gốm, hình thành nên một làng nghề thủ công với các công đoạn làm gốm khá bài bản. Từ khâu lấy đất, đạp đất, hong đất, cho đến khâu xên, chuốt rồi làm nguội và cuối cùng là nung và cho ra thành phẩm, tất cả được phân công theo sở trường của mỗi lao động, và vì thế hầu như đã tận dụng hết nguồn nhân lực đủ mọi lứa tuổi, giới tính  của người dân làng.

       Đặc biệt, đất sét, nguyên liệu làm gốm của Phước Tích là loại đất sét “nguyên chất” không lẫn cát và tạp chất, lấy từ Diên Khánh, Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, cho ra lò những sản phẩm gốm  gồm lu, vại, om, trét,…với chất liệu tốt và an toàn đặc biệt nổi tiếng một thời phồn thịnh, không những thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng  của cư dân trong vùng từ Thừa Thiên Huế ra tới Quảng Trị, mà còn cung cấp cho cả vua chúa và quan lại, nhất là thời nhà Nguyễn.

       
     
Ngày nay, với sự ra đời của nhiều vật dụng bằng các chất liệu mới, nhẹ hơn, bền hơn đã khiến Gốm Phước tích ngày càng mất đi chỗ đứng trên thị trường. Để phục hồi, tồn tại và phát triển, thiển nghĩ Gốm Phước Tích cần phải được chuyển đổi theo hướng hiện đại hóa cả sản phẩm lẫn công nghệ chế tác – tầm cỡ như gốm sứ Minh Long chẳng hạn. Nhưng rõ ràng điều này là bất khả thi. Còn nếu vẫn giữ lại được truyền thống thủ công như trước đây  thì chỉ có thể đáp ứng được như một sản phẩm của du lịch làng nghề mà thôi. Mà du lịch làng nghề hiện tại ở quê nhà  thực tế cho thấy vẫn là một hoạt động không thường xuyên mà cũng chưa ổn định.

  

*LÀNG NGHỀ ĐỆM BÀNG PHÒ TRẠCH

    
   
Tương tự như các làng lân cận ở Phong Điền, Phò Trạch, thuộc xã Phong Bình, cũng là một ngôi làng cổ được hình thành từ giữa thế kỷ XV thời Lê sơ. Cũng là  một làng nông nghiệp chuyên nghề trồng lúa. Và từ trong nỗi vất vả khổ nhọc vốn có của nghề nông xưa, những người dân Phò Trạch vẫn muốn thoát ra, tìm kiếm thêm một nghề thủ công nào đó  để mong cải thiện phần nào cuộc sống. Nghề  đan đệm bàng chính là cơ hội, là lối thoát đó.

    Bàng là tên một loại cây cỏ  (có họ hàng với cây lác hay cây cói) thường mọc hoang ở những vùng đất trũng có nước. Chúng phát triển nhiều nhất  trong các trằm nước ở làng Mỹ Xuyên, xã Phong Hòa. Đây chính là nguyên liệu để người dân làng Phò trạch, với tay nghề đan lát của mình, sản xuất ra các mặt hàng phục vụ cho nhiều nhu cầu thiết yếu của người dân trong vùng thời đó và ngay cả thời gian gần đây. Sản phẩm chủ lực là “đệm” (tức chiếu nằm) và bao bì. Đệm cũng có  đệm lớn và đệm nhỏ (tức “chẹ”) dành cho trẻ con. Ngoài ra còn có sản phẩm “cánh buồm” cho tàu thuyền nhỏ đi biển.

   
    
Do đặc điểm của chất liệu cây bàng là “mát về mùa hè và ấm về mùa đông” nên đệm còn được dùng như chăn đắp cho người nghèo trong mùa lạnh. Bàng cũng là chất vừa hút ẩm lại vừa thoát nước dễ dàng, nên dùng làm bao bì đựng các mặt hàng nông lâm hải sản như lúa, ngô, khoai sắn, dược  liệu, cá, muối,…

    Trước đây, nghề đan đệm bàng Phò Trạch phát triển mạnh, thu hút một lực lượng lớn nhân công đặc biệt trong nữ giới. Do vậy đã hình thành một diện tích trồng bàng đáng kể trên các vùng ruộng trũng thay cho những mãng bàng mọc tự nhiên ngày càng khan hiếm. Đệm bàng Phò Trạch đã được sử sách ghi lại từ rất sớm (1776) và  đã từng đi vào thơ ca hò vè, là làng nghề thủ công truyền thống từng mang theo nó những loại hình văn hóa dân gian vô cùng phong phú.

     
Ngày nay, với sự ra đời của nhiều sản phẩm mới, với những chất liệu mới bền hơn, đẹp hơn, thị trường tiêu dùng của sản phẩm đệm bàng ngày càng bị thu hẹp. Trong nỗ lực bảo tồn nghề truyền thống này, hướng đi mới thích hợp nhất là phải thay đổi sản phẩm, đi cùng với việc thiết kế mẫu mã theo tiêu chí “mỹ thuật hóa” trở thành hàng có chất lượng cao. Hợp tác xã Đệm bàng Phò Trạch ra đời thời gian qua với hơn 50 mẫu hàng bàng cao cấp được sản xuất, là một bước đi đúng và kịp thời. Bởi dẫu sao  những mặt hàng này vẫn có ưu thế cạnh tranh so với những chất liệu mới là có tính dân gian và thân thiện với môi trường. Đó cũng chính là xu thế, là tiêu chí chung trong sản xuất của thời đại phát triển bền vững.

 

*LÀNG NGHỀ KIM HOÀN KẾ MÔN


    Nói đến Kế Môn người ta hay gọi là “làng vàng”, bởi nơi đây thực sự là điểm xuất phát của cái nghề liên quan tới vàng bạc của cả nước: nghề kim hoàn. Tương tự như nghề chạm gỗ Mỹ Xuyên, nghề Kim hoàn Kế Môn do ông Cao Đình Độ (1735-1810), gốc từ Thanh Hóa vào nhập cư tại làng  truyền lại cho người dân nơi đây từ thời Tây Sơn.

    Triều vua Quang Trung (1790), ông Độ và người con cả là Cao Đình Hương cùng một số thợ làng Kế Môn đã được nhà vua triệu vào cung làm việc trong ngành “Ngân tượng”. Sau khi triều Tây Sơn sụp đổ, đất Phú Xuân thuộc về Gia Long,  ngành Ngân tượng vẫn được lưu giữ, và cha con ông Độ cùng nhóm thợ giỏi người Kế Môn vẫn được tiếp tục trọng dụng. Ông Độ được vua ban chức Lãnh Binh và khi qua đời  được triều đình phong là Đệ Nhất Tổ sư Kim hoàn Việt Nam, còn ông Cao Đình Hương (mất năm 1821) là Đệ Nhị Tổ sư.

     Nghề Kim hoàn ở Kế Môn phát triển từ đó đến nay, đã từng đào tạo ra vô số những người thợ kim hoàn giỏi qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, dù trên danh nghĩa là làng nghề Kim hoàn, song do đặc điểm của nghề nghiệp, những người thợ xuất thân từ đây, qua nhiều thời kỳ, đã phân tán  rộng khắp trên nhiều tỉnh thành trong nước và cả ở hải ngoại. Tại địa bàn làng Kế Môn hiện nay vẫn vắng bóng hình ảnh của “đe búa” cũng như của “cửa tiệm kim hoàn”  dù nhỏ.

    
     Đặc biệt, khi công nghệ chế tác nữ trang  bắt đầu được du nhập từ nước ngoài vào với những máy móc hiện đại, sản xuất hàng loạt, nhanh, gọn thì nghề chế tác Kim hoàn bằng thủ công bỗng trở nên chậm chạp và lỗi thời, mất hết tính cạnh tranh. Tất nhiên, nhiều người nước ngoài vẫn yêu chuộng những sản phẩm làm ra bằng chính tay người thợ thủ công thay vì những sản phẩm cho ra hàng loạt bằng máy móc vô hồn. Nhưng không may là những khách hàng dạng này  không phải  số nhiều.

    Tuy nhiên, điều đáng mừng là kỹ thuật chế tác kim hoàn thủ công của người thợ Kế Môn đến nay vẫn được một số thợ làng có tâm huyết bảo lưu, không hề mai một. Bằng chứng là một “bảo tàng” “Tịnh tâm Kim cổ” của người Kế Môn đã ra đời mấy năm nay tại khu vực Thành Nội- Huế, song hành với những hoạt động làng nghề của  Festival tại vùng này.

   
    
Tóm lại, nghề Kim hoàn, thực tế từ lâu đã không còn tồn tại trên mảnh đất làng Kế. Song, những đình chùa, miếu mạo, từ đường, lăng tẩm, biệt thự thi nhau mọc lên khắp làng trong những thập niên gần đây, cho thấy nghề Kim hoàn vẫn đang hiển hiện nơi đây rõ nét hơn bao giờ hết. Bởi những công trình ấy đã và đang được xây dựng  từ những lợi tức của nghề vàng. Đúng là vậy… Và Kế Môn dẫu sao cũng vẫn xứng đáng với danh xưng là “làng vàng”!…


Nhà thờ Tổ nghề Kim hoàn ở làng Kế Môn

Bài : NGUYÊN THANH
Hình ảnh : sưu tầm

Chia sẻ bài viết:

Bài viết liên quan

TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat ngay để nhận tư vấn
Gọi ngay để được tư vấn