Đang tải...
 

NĂM NGỌ VIẾT VỀ NGỰA

 Hình ảnh các chú ngựa mà ta thường thấy nhất trong tranh vẽ  chính là bức tranh “mã đáo thành công” với chừng tám chú ngựa đang phi nước đại, mà người ta thường biếu tặng gia chủ trong dịp “tân gia” hàm ý nghĩa chúc gia chủ “mọi điều thông suốt, mau mắn và thành đạt”
NĂM NGỌ VIẾT VỀ NGỰA

NĂM NGỌ VIẾT VỀ NGỰA

 



 

        Ngày xưa, khi nói đến tình cảnh lao động cực nhọc vất vả của con người, nhất là trong thời nô lệ, người ta hay dùng cụm từ “làm thân trâu ngựa” hay “kiếp trâu ngựa”. Bởi nhìn lại trong đám gia súc, vật nuôi,  hai con vật này quả là đã gánh vác tất cả phần nặng nhọc của con người, cả trong nông nghiệp lẫn giao thông vận tải.

                   “Cấy cày là nghiệp nông gia
                                 Ta đây trâu đấy ai mà quản công”

      Đúng là cái nghiệp của nông gia đã đi liền với cái nghiệp của con trâu cái cày, cũng như cái nghiệp của nhà buôn xưa vẫn mãi gắn liền với hai bánh xe ngựa đi về sớm tối để thay cho cái cảnh “sáng quảy hàng đi, tối quảy  về” của một thời gánh vác oằn vai vất vả.

     Nhưng trong khi “con trâu là đầu cơ nghiệp”, là tài sản quý giá, là lao động chủ lực của nông dân một nắng hai sương, chỉ quanh đi quẩn lại trong đồng ruộng với đất, nước, bùn lầy, lúa, cỏ ngày qua ngày an phận thủ thường ở vùng nông thôn quê mùa mộc mạc; thì các chú ngựa, với những cặp giò cao ráo dẽo dai, cùng với những cái móng được loài người gia công bịt sắt cứng cáp, đã không ngừng dong ruỗi trên mọi nẽo đường thiên lý, từ làng quê hẻo lánh, núi đồi cheo leo, hiểm trở, cho đến những con đường trong phố xá thị thành đông đúc huyên náo, với những công việc và phận sự  vô cùng đa dạng.

 

 

   Xe thổ mộ (độc mã)

     Hình ảnh các chú ngựa mà ta thường thấy nhất trong tranh vẽ  chính là bức tranh “mã đáo thành công” với chừng tám chú ngựa đang phi nước đại, mà người ta thường biếu tặng gia chủ trong dịp “tân gia” hàm ý nghĩa chúc gia chủ “mọi điều thông suốt, mau mắn và thành đạt”. Còn ngoài đời thường, đối với người Việt chúng ta, đặc biệt ở miền Nam, thì hình ảnh “độc mã” chính là chiếc xe ngựa bình dân quen thuộc (còn gọi là xe thổ mộ), đã từng “lọc cọc” đi về như con thoi,  mang hàng hóa và khách thương từ thành thị về ngoại ô, các vùng phụ cận và ngược lại, như ta đã thấy ngày xưa ở Sài Gòn-Gia Định và  Bình Dương,  thậm chí bóng dáng ấy vẫn còn được lưu lại  ít nhiều cho đến những thập niên gần đây.

       Qua phim ảnh, ta cũng thường được thấy những chiếc xe“song mã”hay“tứ mã” mà người dân phương Tây từng xem như một phương tiện di chuyển vừa sang trọng lại vừa tiện lợi trên mọi địa hình, trong thời tiết oi ả mùa hè cũng như trong băng tuyết mùa đông giá lạnh. Phương tiện thô sơ dùng sức kéo của loài ngựa này đã tồn tại  một thời gian khá dài, từ trước Tây lịch cho đến thời gian gần đây, trước khi những chiếc xe hơi đầu tiên xuất hiện tại Đức vào khoảng cuối thế kỷ 19. Và từ đó đến nay, người ta vẫn dùng đơn vị là “mã lực” (sức ngựa) để đo công suất của máy kéo nói chung, cả xe hơi trên bộ lẫn máy bay trên không và tàu thủy dưới nước…

      Ngoài nhiệm vụ vận chuyển, ngựa còn được dùng vào những cuộc đua trong hầu hết các nước, đặc biệt ở phương Tây, nơi từng tồn tại những trường đua ngựa hoành tráng, đã biến những cuộc đua này thành một ngành kinh doanh  béo bở về cá cược, đặc biệt hấp dẫn đối với những cư dân, những tay chơi có máu đỏ đen. Ở Việt Nam trước đây, khi người Pháp tới Sài Gòn, họ cũng đã cho xây dựng  tại đây một trường đua ngựa, là trường đua “Phú Thọ”, và di tích ấy đến nay vẫn còn lưu giữ, tuy đất đai ngày càng bị “xà xẻo” bớt khá nhiều.

      Tuy vậy, hình ảnh nổi bật nhất đối với các chú ngựa lại chính là từ trong khung cảnh vừa oai hùng vừa bi thảm của những cuộc chiến tranh thời cổ, đã diễn ra từ ngàn xưa, từ khi con người bắt đầu biết sử dụng loài ngựa để phục vụ cho những cuộc chinh phục và bảo vệ bờ cõi.

     Ở phương Đông, thời gian đầu (khoảng 2.000 năm trước CN), ngựa chỉ được dùng như phương tiện để kéo chiến xa, nhưng rồi 1.000 năm sau đó đã trở thành những chú ngựa chiến và kỵ binh, là những đơn vị chủ lực của quân đội, bởi tính cơ động của kỵ binh cao hơn hẵn so với chiến xa, đặc biệt ở những địa thế gập ghềnh hiểm trở.

      Đế quốc Mông Cổ với những tham vọng bành trướng về  phương Nam của Thành Cát Tư Hãn, đã từng dựa trên hiệu quả của các cuộc tấn công bằng kỵ mã với cung tên, giáo mác một thời. Vương quốc Macedonia với Alexandros  Đại đế  cũng nhờ 7.000 kỵ mã mà đánh thắng  một lực lượng quân Ba Tư khổng lồ với voi chiến, chiến xa và cả bộ binh trong trận Gaugamela đẩm máu (331 trước CN).

     Người Ả Rập, với giống ngựa chiến đặc trưng của mình,  đã quyết định chinh phục cả thế giới bằng những đội kỵ mã tài ba vào thế kỷ thứ 7 (sau CN). Với những con ngựa chiến dai sức hiếm có này, họ có thể phi qua sa mạc mênh mông mà không cần phải nghỉ ngơi hay ăn uống gì cả.

                                                                     Xung trận

          Nói chung, loài ngựa, từ khi được loài người thuần hóa cách đây hơn 5.000 năm, với những ưu thế đặc dụng của mình, đã dần dần đóng vai trò hết sức quan trọng trong các hoạt động của con người, đặc biệt trong lịch sử chiến tranh. Tuy vậy, khi hình dung về những cuộc xung trận  ác liệt của hàng vạn binh sĩ  bên cạnh hàng ngàn chú ngựa chiến, mà lắm khi cả người và ngựa đều bỏ mạng phơi thây, khiến ta không khỏi rùng mình trước cảnh chết chóc tàn khốc của chiến tranh và thương cảm cho số phận oái oăm của loài ngựa. “Da ngựa bọc thây” là cụm từ đã nói lên hình ảnh bi hùng ở chiến địa, nơi mà người và ngựa đã cùng vào sinh ra tử.

      Thời Tam Quốc bên nước láng giềng Trung Hoa, có những con ngựa quý đã  đi vào lịch sử, tiêu biểu như con  “Xích Thố” của Lã Bố và Quan Vân Trường, đã từng đưa vị võ tướng mặt đỏ này thoát qua bao phen nguy khốn, sống chết trong đường tơ kẻ tóc. Rồi con “Đích Lư” của Lưu Huyền Đức đã mang vị chủ tướng của mình nhảy qua suối Đàn Khê thoát nạn. Tương tự là con ngựa chiến “Ô Truy” của  Sở Bá Vương Hạng Võ thời Hán… Chưa kể con ngựa trắng của Caesar, con ngựa yêu quý Incitatus của Hoàng  đế Caligula thời La Mã cổ đại, con Bavieca của hiệp sĩ El Cid thời Châu Âu Trung cổ. Đặc biệt là con chiến mã nổi danh thế giới “Bucephalas” của Alexandros Đại đế, đã cùng vị vua trẻ này tung hoành khắp các chiến địa, chinh phục cả đế quốc Ba Tư rộng lớn một thời.

      Trong những hoàn cảnh đó, con ngựa vừa là phương tiện chiến đấu nhanh nhạy, sắc bén nhất, mà cũng vừa là người bạn, là chiến hữu gắn bó nhất  của con người. Rõ ràng quan hệ giữa con người với chú ngựa chiến trong những trường hợp như vậy, có thể nói, đã được nâng lên một tầm cao mang đậm  ý nghĩa “tri âm tri kỷ, sống chết có nhau” chẳng khác gì giữa con người với con người.

      Trong lịch sử cũng như qua truyền thuyết, ta cũng đã thấy có biết bao tình huống xảy ra khi chủ tướng thất trận phải bỏ mạng và chú ngựa trở về trong buồn bã, héo hon cho đến chết!  Đó là tình cảnh con “Xích Thố” sau khi Quan Vũ bị hại. Và ngược lại là nỗi buồn không nguôi của Alexandros sau khi con Bucephalas qua đời. Đó cũng lại chính là tình huống về câu chuyện con ngựa của ngài quan võ họ Trần năm xưa của làng Kế Môn, từng được dân làng nhắc đến với lòng đầy thương cảm và kính phục – mà cho đến nay, sau bao thăng trầm của lịch sử, phần mộ của chú ngựa này vẫn được dân làng bảo quản chu đáo bên cạnh phần mộ của Ngài.



Phần mộ ngài quan võ họ Trần và mộ chú ngựa (bên phải) tại rú làng Kế Môn

     Còn liên quan đến lĩnh vực văn hóa, ở phương Tây, hẵn nhiều người vẫn còn nhớ đến “Con ngựa gỗ thành Troia”, một điển tích văn học nổi tiếng có nguồn gốc từ thần thoại Hy Lạp.

     Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedea  thì “Con ngựa thành Troia là con ngựa gỗ mà quân Hy Lạp đã sử dụng để chiến thắng quân Troia trong cuộc chiến thành Troia. Sau 10 năm chiến đấu ở trận địa này, quân Hy Lạp không thể chiến thắng quân Troia bằng sức mạnh quân đội nên đã buộc phải làm theo kế của Odyssey là dỡ tàu ra và lấy gỗ để làm thành một con ngựa, sau đó giả vờ rút khỏi và chỉ để lại một người. Người này có nhiệm vụ đánh lừa quân Troia, khiến họ tưởng rằng ngựa gỗ là món quà của quân Hy Lạp đền bù cho bức tượng Athena đã bị phá hủy. Thực chất trong con ngựa chứa đầy lính. Khi quân Troia no say sau bữa tiệc chiến thắng, quân Hy Lạp trong bụng ngựa đã xông ra đánh và mở cổng thành cho quân bên ngoài vào. Nhờ có ngựa gỗ mà quân Hy Lạp đã chiến thắng.

      Đó là huyền thoại về con ngựa gỗ thành Troia, tận xứ Hy Lạp xa xôi, còn ở đất nước ta, gần gũi hơn, huyền sử vẫn không quên nhắc tới con ngựa sắt của Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương năm xưa, từng khơi dậy lòng tự hào của tuổi trẻ chống ngoại xâm của con dân nước Việt, với trận chiến phá tan giặc Ân xâm lược một thời.

     

      Riêng trong phạm vi văn hóa và âm nhạc Việt Nam chúng ta, có ai mà không từng nghe những bài dân ca quen thuộc “Lý ngựa ô” của cả ba miền Nam Trung Bắc  mà nội dung cũng chỉ là nhằm trang trí “làm đẹp” cho chú ngựa để mục đích cuối cùng không gì khác hơn là “đưa nàng về dinh”…

     Xem như vậy, đối với con người, rõ ràng loài ngựa không chỉ là một vật nuôi tầm thường. Trong mười hai con giáp, ngoài con rồng là biểu tượng dành cho quyền lực vua chúa nhưng không có thật, con cọp tượng trưng cho sức mạnh nhưng lại là sức mạnh hoang dã, thì ngựa là con vật tiêu biểu cho sự mau mắn, nhanh nhạy, trung thành và hữu ích nhất đối với loài người. Bởi vậy, không có gì là “ngoa ngôn” khi  trong tác phẩm “Lục súc tranh công” trước đây, sau khi nghe bọn ngưu, khuyển kể công, ngựa đã tức giận đến “tím gan nổ phổi”, và đã “chạy ra hầm hí vang trời”…

     Xin mượn những câu thơ “nhân cách hóa” đầy thú vị sau đây trong tác phẩm “Lục súc tranh công” của một tác giả khuyết danh trước đây để kết thúc bài viết này :

                 Ngựa nghe nói, tím gan, nổ phổi,

                 Liền chạy ra hầm hí vang tai :

               “Ớ ! này, này tao bảo chúng bây

                 Đố mặt ai dài bằng mặt ngựa

                 Tuy rằng thú, cũng hai giống thú

                 Thú như tao ai dám phen lê !

                 Tao đã từng, đi quán, về quê,
                 Ðã ghe trận đánh nam, dẹp bắc.
                 Mỏi gối nâng phò xã tắc,
                 Mòn lưng cúi đội vương công.
                 Ngày ngày chầu chực sân rồng
                 Bữa bữa dựa kề loan giá,

                 Ông Cao Tổ năm năm thượng mã,
                 Mới dựng nên cơ nghiệp Lưu gia,
                 Ông Quan Công sáu ải thoát qua,
                 Vì cậy có Thanh Long  Xích Thố

                  Ðã nhiều thủa ngăn thành, thủ phủ
                 Lại ghe phen đột pháo, xông tên
                 Ðàng xa xôi ngàn dặm quan sơn
                 Ngựa phi đệ một giờ liền thấu…”

 

    *Bài:  NGUYÊN ĐẠO      *Hình ảnh : sưu tầm

(trích “Về Nguồn”  Đặc san  xuân  Giáp Ngọ 2014 của hội Đồng hương làng Kế Môn tại TP.HCM  và  vùng lân cận)                 

Chia sẻ bài viết:

Bài viết liên quan

TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat ngay để nhận tư vấn
Gọi ngay để được tư vấn