Chiều nay 23 tháng Chạp Âm Lịch, ngày ông Táo chầu trời, Xuân Canh Dần sắp về. Trên đường phố hối hả dòng người mua sắm…
Những đoàn xe tới tấp đón đưa người đi xa trở về làng quê ăn Tết. Trong nhịp thời gian đó, tôi gác lại những dòng suy nghĩ về qui trình sản xuất, phương trình hóa học, những bài báo khoa học, những lời nhận xét, những bài bình luận phong phú về lý luận logic nhưng khô cứng và nghèo nàn về tình cảm. Tôi thả mình trong hồn thơ và điệu nhạc. Những giây phút nhớ Phước Tích lại trở về. Đương nhiên là thế vì “Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một Mẹ thôi, Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”.
Ngày Tết nhớ Mẹ nên ai cũng về. Tuổi đã bảy mươi lăm rồi còn đâu Mẹ vuốt ve chiều chuộng mà nhớ mà thương như thưở nào. Phước Tích là MẸ (chữ mẹ viết hoa) nơi gửi gắm tất cả lòng mình. Bài hát “Phước Tích quê tôi” của nhạc sĩ Quốc An, ca sĩ Vân Khánh trình bày đã ru tôi về với những hoài niệm, những ký ức miên man nhẹ nhàng về dòng Ô Lâu, về cụ ông cụ bà hiền từ chất phác, về những mối tình lứa đôi, những bạn bè người còn kẻ mất, những người đi xa chưa từng gặp mặt…
Lời bài hát không nhắc tới Miếu Đôi, nhà thờ các Họ, Cây Thị, Cây Bàng, Bến Đình, Bến Cạn, Bến Vạn, Bến Cửa, nghề lu đôọc-om tréc…nhưng đã khái quát hóa tình yêu thiết tha ẩn chứa sâu lắng trong tâm khảm người Phước Tích về đường làng nan quạt, về Hà sen nở, về “Cồn Trèng che nắng xốn xang xóm nghèo”, về “Tung tăng cá quẩy bên đìa hàng mưng”…Những kỷ niệm khó nói nên lời. Quốc An đã viết:
Dù đi xa tới đâu
Lòng tôi luôn nhớ mong về làng quê cổ xưa
Làng Phước Tích thương yêu
Với biết bao kỷ niệm
Những kỷ niệm tuyệt vời
Thời tuổi thơ yêu dấu
Với biết bao ân tình
Tình làng nghĩa xóm ấm nồng
Dù ngàn năm cũng chẳng phai
Lời nhạc Quốc An đã hàm chứa và diễn đạt hết tình cảm nhớ thương sâu lắng chân thật đời thường của người cháu ngoại họ Hồ, Nguyễn Thiện Tâm.
Lá vàng rơi đưa con về nỗi nhớ
Bóng mẹ hiền thổn thức ở trong tim
Xưa mẹ dắt con vào rừng đi quét lá
Cao su mùa Tết lá rơi nhiều
Pháo Tết nhà ai đì đùng trong xóm
Trái tim con rưng rức nhớ mẹ già
Chuối chín cây gió lay mẹ rụng
Nén hương tàn cong vút nỗi niềm thương
“Chiều Xuân nhớ mẹ” (Nguyễn Thiện Tâm)
Quốc An không đủ ngôn từ để có thể diễn đạt hết cái đẹp của Phước Tích. Anh chỉ sững sốt, ngạc nhiên nhưng tha thiết. Cái ngạc nhiên thật lạ lùng cách điệu qua từng hai chữ “làm sao”, “lấp lánh”, “dịu dàng” Quốc An xúc động như người Phước Tích vậy.
Ôi quê tôi đẹp làm sao
Dòng sông lấp lánh nắng hè
Dòng sông Ô Lâu dịu dàng
Tắm mát cho đàn trẻ thơ
Hình như Quốc An đã đọc, đã hiểu người Phước Tích qua những vần thơ tha thiết trần đầy xúc cảm yêu thương của một cô giáo trẻ ở làng, đó là nhà thơ Lê Thị Tâm:
Trong tôi mang dáng dấp dòng sông
Sông Ô Lâu với đôi bờ kỷ niệm
Tuổi thơ tôi xanh dài ra tới biển
Gió hiền hòa thổi gợn sóng lăn tăn
Quốc An ơi, còn nhiều và nhiều lắm về tình cảm con sông như khúc ruột làng tôi
Sông tôi đó xin một lần gặp lại
Thời tôi còn vui cặp sách ra sông
Nghe tiếng gọi đò ơi vang vọng mãi
Đò ơi đò, sông có nhớ tôi không?...
(Dòng sông Thơ)
Thật cảm động phải không Quốc An? Đò ơi đò, sông có nhớ tôi không? Đọc câu thơ này tôi rất xúc động và ngừng đi trong giây lát để mộng mơ và hoài niệm.
Ô Lâu đó nhè nhẹ trôi bình dị
Cồn Dương xưa lại xanh màu kim cổ
Hà Cát cho ai nỗi niềm thương nhớ
Mai mốt về đi tựa cửa em chờ
Phước Tích hứa hẹn, Phước Tích đang chờ. Mời Quốc An về lại Phước Tích thâm nhập vào đời sống văn hóa, văn hóa đợi chờ, văn hóa thủy chung. Biết đâu anh lại có những bài hát hay, những mối tình đẹp như lời bài hát của anh vậy. Quốc An viết:
Ôi quê tôi đẹp làm sao
Dòng sông Ô Lâu thơ mộng
Là nơi trai gái hẹn hò
Bên nhau những mùa trăng tỏ
Sông Ô Lâu chứng kiến bao lời
Thủy chung nghĩa tình son sắc
Của những mối tình lứa đôi.
Để viết được những ca từ trên đây, dường như Quốc An đã cảm nhận được rất sâu về mối tình lứa đôi trong bài thơ “Bến Xưa” của Hồ Xuân Lộc.
Anh về thăm lại bến xưa
Nơi em soi bóng những trưa nắng hè
Êm đềm nắng ngả bờ tre.
Dáng em tha thướt đi về bên nhau
Bây giờ trăng đã qua cầu
Dòng sông vẫn chảy lòng đau dấu dài
Tình ta như hạt sương mai
Bỗng đâu gió cuốn chia hai bến bờ
Hình như anh Xuân Lộc muốn khóc vợ, nhớ thương mà nói lời buồn vui một thuở, minh chứng cuộc đời “Vui buồn chứng kiến Ô Lâu, Xa nhau chỉ mấy nhịp chèo sang ngang” Thật vậy “Bỗng đâu gió cuốn chia hai bên bờ”. Vì “gió cuốn” nên phải xa cách nhưng lòng vẫn thủy chung. Thủy chung nên đã về thăm bến bờ “Nơi em soi bóng những trưa nắng hè”. Đó cũng là mối tình sắc son chung thủy mà Quốc An đã khái quát nên lời.
Nói đến bài hát của nhạc sĩ Quốc An mà không có đôi lời về ca sĩ Vân Khánh, quả là điều thiếu sót. Bài hát hay nhưng không có người thể hiện tài ba thì bài hát ít đến với công chúng. Với giọng hát trong trẻo, tròn lời, luyến láy, cao thấp Vân Khánh để lại trong lòng bà con Phước Tích những tình cảm mến thương và gần gũi. Gần gũi thật, Vân Khánh quê ở Quảng Bình, con dâu xứ Bọ, quê Choa. Từ quê tôi ra Quảng Bình độ vài chục cây số theo đường chim bay. Vân Khánh ở Huế lâu ngày, nên tình cảm của Vân Khánh đến với Phước Tích cũng nhẹ nhàng sâu lắng êm đềm như sông Nhật Lệ, Ô Lâu và Hương Giang vậy. Vân Khánh thể hiện rất hay bài “Phước Tích quê tôi” chắc vì lẽ đó.
Quốc An, Vân Khánh không phải quê mình
Sao thiết tha ân tình đến vậy
Có phải Ô Lâu đôi bờ nối lại
Để tình người vương vấn mãi mai sau.
Đêm đã về khuya. Tôi chỉnh lại thời lượng bài hát “Phước Tích quê tôi”, điều chỉnh âm lượng, hẹn giờ. Những ca từ và âm thanh nhẹ nhàng, bồng bềnh như làn gió mát gợn sóng lăn tăn trên mặt nước Ô Lâu quê mình.
Bài hát đã ru đưa tôi vào giấc ngủ say…
Tp. Hồ Chí Minh ngày 08-02-2010
TRƯƠNG THẾ KỶ